Kỳ vọng vào cuộc tập hợp mới

Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 12/11/2013

(HNM) - Ngày 11-11, các đoàn đại biểu từ 200 quốc gia trên thế giới đã tề tựu về thủ đô Vacsava (Ba Lan) để tham dự Hội nghị lần thứ 19 Công ước khung Liên hợp quốc về ứng phó với biến đổi khí hậu (COP-19) nhằm hướng đến một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2020.

Như vậy, chỉ còn 2 năm nữa là đến thời hạn văn kiện mới về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải hoàn tất, thế nhưng cho đến lúc này vẫn chưa có mục tiêu cụ thể nào được đặt ra cho chương trình nghị sự kéo dài 2 tuần lễ tại đất nước có tỷ lệ gây ô nhiễm về than lớn nhất thế giới.

Siêu bão Haiyan vừa tàn phá Philippines được cho là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu.



Cũng như những hội nghị về khí hậu diễn ra gần đây, COP-19 tiếp tục đối mặt với nhiều trở ngại do bất đồng kéo dài nhiều năm qua giữa các quốc gia vẫn chưa thể hóa giải. Trong khi đó, hệ lụy nguy hiểm của quá trình biến đổi khí hậu đang ngày một rõ nét. Theo các chuyên gia về khí tượng thủy văn, tình trạng Trái đất ấm dần lên đã khiến cho các cơn bão mạnh lên rất nhiều. Cơn bão Haiyan vừa tàn phá Philippines và đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam là một minh chứng rõ ràng nhất về những tác động của biến đổi khí hậu. Hạn hán kéo dài ở nhiều khu vực trên thế giới cũng bắt nguồn từ nguyên nhân nóng lên của Trái đất. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, nếu thế giới không hành động, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 4oC vào năm 2100.

Cho đến thời điểm này, Nghị định thư Kyoto (công bố tại Nhật Bản năm 1997) có hiệu lực từ năm 2005 là thỏa thuận quốc tế duy nhất mang tính ràng buộc với các nước phát triển về giảm lượng khí thải nhà kính - nguyên nhân chính làm Trái đất nóng lên. Tuy nhiên, Nghị định thư Kyoto đã hết hiệu lực từ năm 2012 và mới được gia hạn kéo dài tới năm 2020 tại COP-17 ở Durban (Nam Phi) với Tuyên bố Durban.

Mặc dù có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng đến nay, Nghị định thư Kyoto trên thực tế mới chỉ giúp giảm được 60% lượng khí thải cần thiết và đã gây ra không ít tranh cãi. Trong đó, điểm "nóng" nhất là yêu cầu 38 quốc gia công nghiệp phải hạn chế phát thải khí nhà kính (chủ yếu là cacbonic) với mức trung bình 5,2% so với những năm 1990, riêng Mỹ phải giảm 7%. Lý do là dân số nước này chỉ chiếm 6% trong tổng dân số thế giới, nhưng nền sản xuất khổng lồ của họ lại gây ra 25% tổng lượng cacbonic toàn cầu. Nhưng, Washington cho rằng Nghị định thư Kyoto 1997 không công bằng khi chỉ tập trung vào các nước công nghiệp mà không ràng buộc các nước ở thế giới thứ ba.

Trong giai đoạn được cho là "hậu Kyoto", từ nay đến năm 2015 phải đề ra những cơ sở pháp lý để áp dụng cho tất cả các quốc gia, cũng như những "công cụ" cho phép kiểm chứng việc thực hiện cam kết của mỗi nước. Kể từ năm 2015 trở đi, Quốc hội mỗi nước sẽ phê chuẩn văn bản cam kết giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường thì thỏa thuận có thể có hiệu lực từ năm 2020. Thế nhưng, ngoài những bất đồng như nêu trên, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu còn đòi hỏi những khoản kinh phí khổng lồ. Các nước đang phát triển cho rằng cần thêm ít nhất 60 tỷ USD từ nay đến năm 2015 để giảm thiểu chất thải hoặc đối phó với hạn hán, lũ lụt, bão và nước biển dâng. Dù các nền kinh tế phát triển đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2020. Song, tất cả mới ở trên giấy bởi lý do "khó khăn về tài chính". Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, bản thân các nước công nghiệp phát triển cũng sẽ phải cắt bớt các khoản ngân sách dành cho những công việc nhằm giảm khí thải nhà kính của chính nước họ.

Trong bối cảnh hiện nay - để những nỗ lực chống biến đổi khí hậu trở thành hiện thực, thế giới hy vọng cuộc tập hợp Vacsava có đủ quyết tâm và thiện chí để mở ra cánh cửa tiếp theo cho con đường phát triển bền vững của nhân loại.

Quỳnh Chi