Chủ động và đồng bộ

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:44, 12/11/2013

(HNM) - Không như dự báo ban đầu, siêu bão Haiyan (cơn bão số 14) đã không đổ bộ vào miền Trung nước ta mà đổi hướng đi vào đất liền tại các địa phương thuộc khu vực Bắc bộ trước khi quay ngược lên biên giới Việt - Trung rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.



Vậy là, sau khi hơn nửa triệu người dân ở khu vực miền Trung phải sơ tán, di dời khẩn cấp để tránh trú bão đã có thể trở về nhà thì các địa phương miền Bắc phải gấp rút căng mình chạy đua cùng thời gian để phòng tránh nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và của do siêu bão Haiyan có thể gây ra. Và Hà Nội cũng thể hiện quyết tâm cao với tinh thần khẩn trương nhất.

Trước thông tin mưa bão lớn, lãnh đạo thành phố đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố với lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống xấu có thể xảy ra. Những công việc cần thiết nhanh chóng được triển khai: Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát lại số nhà cấp 4, nhà yếu và nhà tạm để tổ chức lực lượng giúp dân thực hiện việc chằng, chống, bảo vệ… Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội bố trí công nhân ứng trực 24/24h, chuẩn bị trang thiết bị sẵn sàng xử lý sự cố xảy ra, bảo đảm tiêu thoát nước, tránh tình trạng úng ngập. Tiến hành hạ thấp mức nước tại các hồ đập, rà soát lại các điểm xung yếu, có biện pháp ứng phó với những sự cố về đê điều. Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng lực lượng Công an TP Hà Nội thực hiện chế độ thường trực chiến đấu; bố trí phương tiện, lực lượng sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn; tổ chức di dời, giúp dân sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm; hạn chế thấp nhất mọi thiệt hại về người và tài sản… Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát, có phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân sống tại các khu nhà cao tầng cũ, xuống cấp, các công trình đang xây dựng dở dang… Sở Công thương chủ trì việc phối hợp với các DN chuẩn bị lượng hàng hóa, thực phẩm dự trữ cho người dân… Sở Y tế thành lập 84 đội cấp cứu và 31 đội phòng chống dịch cơ động. Tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng đã tổ chức 9 đội cấp cứu sẵn sàng ứng cứu. Sở GD-ĐT quyết định cho học sinh nghỉ học, kiểm tra rà soát và có phương án bảo vệ các trường học xuống cấp, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh. Thành đoàn Hà Nội huy động 1.200 thanh niên tình nguyện làm nhiệm vụ ứng trực, xử lý các tình huống…

Để tập trung đối phó với siêu bão số 14, theo Công điện khẩn của thành phố, trong thời gian này các đơn vị tạm dừng những cuộc họp không cần thiết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống bão. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã quyết định việc hoãn, không tổ chức Hội nghị BCH Đảng bộ thành phố vào ngày 11-11, cho dù đây là một cuộc họp đặc biệt quan trọng để bàn việc thực hiện phát triển KT-XH Thủ đô năm 2013 và kế hoạch của năm 2014. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo UBND thành phố bám sát các địa bàn được phân công phụ trách để trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó. Mục tiêu số một là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước và đây cũng là trách nhiệm lớn nhất đặt ra cho các ngành, chính quyền các địa phương thuộc địa bàn Hà Nội.

Trong nhiều vấn đề, để thực hiện có hiệu quả, chúng ta thường đề cập tới tính chủ động cùng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cũng như trách nhiệm của từng vị trí. Riêng việc đối phó với siêu bão Haiyan có thể thấy những việc này được thể hiện rất rõ nét, chi tiết và cụ thể đối với từng ngành, từng cấp, từng địa phương.

Tới thời điểm này tạm coi là may mắn khi bão Haiyan đã không gây thiệt hại lớn tới nước ta nói chung cũng như Hà Nội nói riêng. Song trong việc chỉ đạo, điều hành, đây là một bài học lớn về tính chủ động và đồng bộ để thực hiện từng công việc trong phòng chống thiên tai. Khi đó mọi sức mạnh được phát huy tối đa để hướng tới hiệu quả thu được ở mức cao nhất đồng thời nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của toàn xã hội.

Hoàng Thu Vân