Bão số 14 đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng

Đời sống - Ngày đăng : 08:19, 11/11/2013

Sáng sớm 11/11, tâm bão số 14 đã đi vào khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh, gây mưa lớn diện rộng, trọng tâm mưa lớn tập trung ở các tỉnh ven biển và khu Đông Bắc Bắc Bộ.


Bão làm đổ một số cây xanh và biển hiệu quảng cáo trên địa bàn TP. Hạ Long. Ảnh: baoquangninh.com.vn


Có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão tại thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng, lúc 11 giờ đêm 10/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các lực lượng trên địa bàn các địa phương, Quân khu 3 thực hiện rà soát liên tục các công việc, yêu cầu chuẩn bị theo đúng tinh thần chỉ đạo, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực tối đa để hạn chế thiệt hại do mưa bão đem lại.

Phó Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, ngành, lực lượng túc trực suốt đêm ở các điểm xung yếu, cấm đường trên tuyến giao thông QL10. Lực lượng công an, quân đội sẵn sàng quân số để hỗ trợ người dân phòng chống và nhất là khắc phục các hậu quả sau bão.

“Chúng ta sẽ phải cố gắng hết mức có thể để đối phó với cơn bão có khả năng gây thiệt hại khó lường này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hải Phòng, sau khi bão đổ bộ đã gây mưa to và gió giật rất mạnh. Trung tâm thành phố có nhiều cây cối bị đổ nằm ngổn ngang. Nhiều biển quảng cáo bị bão giật đổ, hất tung xuống đường. Hiện các lực lượng đang tiến hành thu gom vật cản, không để mất an toàn cho dân khi ra đường. Do đang trong lúc triều thấp nên không có các đợt sóng mạnh tấn công vào bờ. Công nhân trạm bơm cũng được điều động túc trực suốt đêm để tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng.

Bão chính thức đổ bộ vào huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng, song thông tin ban đầu cho biết Cát Hải không bị thiệt hại về người và tài sản. Tất cả các phương tiện tàu thuyền, tàu du lịch với khoảng 2.000 phương tiện tàu thuyền với gần gần 10.000 lao động trên các tàu thuyền vẫn an toàn; chỉ có một số cây trên địa bàn huyện bị đổ gãy. Hiện nay gió cũng đã giảm rất nhiều, mưa cũng giảm. Các phương tiện tàu thuyền, huyện yêu cầu ngư dân tuyệt đối chấp hành lệnh của trên, khi nào bão tan thì mới tiếp tục được hoạt động.

Quân khu 3 huy động gần 500 phương tiện sẵn sàng chi viện; hàng vạn dân quân tự vệ cũng tích cực chung sức phòng chống bão.

Hồi 5 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (tức là từ 62-88 km/h) giật cấp 10-11.

Thành phố Hạ Long được xác định là nơi tâm bão sẽ đổ bộ. Từ 1 giờ sáng 11/11, gió mạnh lên cấp 11-12 giật trên cấp 13, mưa to liên tục từ 10 giờ đêm qua tới 3 giờ sáng. Đến 3 giờ sáng, tâm bão bắt đầu vào trung tâm TP. Hạ Long. Toàn bộ Thành phố đã cắt điện từ 9 giờ tối để đảm bảo an toàn.

Trên các con đường của thành phố Hạ Long, cây đổ, gẫy và nhiều biển hiệu quảng cáo, mái lợp đã bị gió cuốn bung. Các khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao như phường Cao Xanh, Trần Hưng Đạo người dân đã được di dời từ tối qua, những hộ dân sinh sống tại các làng chài Cửa Vạn, Vung Viêng, Ba Hang đã được di dời về nơi tránh trú bão an toàn.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến 5 giờ sáng nay, thiệt hại ban đầu khoảng gần 60 ngôi nhà bị tốc mái, riêng Vân Đồn có 30 ngôi nhà; hàng chục cột điện hạ thế gãy đổ gây mất điện trên diện rộng, tê liệt hoàn toàn hệ thống viễn thông Viettel. Tại thành phố Uông Bí gãy đổ cột phát thành truyền hình cao 52m. Rất may không có thiệt hại về người.

Báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ 21 giờ ngày 10/11 đến 3 giờ sáng 11/11), Bão số 14 đã gây gió mạnh cấp 12, giật cấp 13 ở Cô Tô, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long; gió cấp 7, giật cấp 8 ở Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Quảng Yên; các địa phương khác trong Tỉnh gió cấp 6, giật cấp 7; lượng mưa phổ biến dưới 50 mm, một số nơi dưới 100 mm.

Thống kê sơ bộ ban đầu bão số 14 chưa gây thiệt hại về người. Các tuyến đê và tàu thuyền vẫn an toàn. 1 cột ăng ten phát thanh truyền hình của tại thành phố Uông Bí (52 m) bị gẫy đổ. Bước đầu xác định: Đổ 5 nhà cấp 4; tốc mái 56 nhà cấp 4 và nhà tạm (Vân Đồn 30 nhà); 1 nhà bè tại Hạ Long bị sóng đánh chìm, đổ và gẫy nhiều cây xanh. Hiện nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã mất điện. Ước thiệt hại đến nay do cơn bão số 14 gây ra khoảng 50 tỷ đồng.

Dù tâm bão không trực tiếp ảnh hưởng đến tỉnh Thái Bình, nhưng các huyện ven biển của tỉnh vẫn bị ảnh hưởng lớn, gió giật trên cấp 11-12, mưa to, đặc biệt ở huyện Tiền Hải. Tại xã ven biển Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, trong đêm qua gió giật mạnh kèm theo mưa lớn.

Tại Hà Nội, từ 19 giờ ngày 10/11, đã xảy ra những đợt mưa đầu tiên, mưa to và kéo dài suốt đêm kèm theo gió giật mạnh. Tổng lượng mưa đo được tại Vân Hồ 70mm; Trúc Bạch 62mm; Hồ Tây 55mm; Thanh Liệt 41mm; Yên Sở 47mm; Xuân Đỉnh 61mm; Long Biên 45mm, Hầm chui TTHNQG 54mm, Đông Anh 43mm. Do gió giật mạnh nên đã có hiện tượng gãy cành, đổ cây ở một số tuyến phố.

Từ 5 giờ sáng 11/11, CBCNV của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện ứng trực trên địa bàn Thành phố theo kế hoạch phòng chống bão, vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy, vệ sinh mặt đường. Các dàn thiết bị cơ giới hỗ trợ nạo vét, thông tắc tại các vị trí đã được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hoà nước. Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, vượt qua tỉnh Quảng Ninh, đi vào đất liền phía Nam Trung Quốc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,2 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39-49 km một giờ), giật cấp 7-8.

Báo Điện tử Chính phủ