Ưu điểm nhiều, bất cập… không ít
Chính trị - Ngày đăng : 06:13, 11/11/2013
Trong mô hình nhất thể hóa (bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND), lựa chọn cán bộ là khó khăn trước tiên. Nhiều địa phương thừa nhận lúng túng khi lựa chọn nhân sự. Cán bộ đảm nhận cùng lúc hai "vai" phải chịu áp lực, trách nhiệm gấp nhiều lần. Trong khi đó, việc tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo cũng chưa kịp thời. Các trường đào tạo cán bộ chưa xây dựng được những bài giảng cần thiết để bồi dưỡng, tập huấn cho vị trí nhân sự còn rất mới này. Theo Ban Tổ chức TƯ, một số địa phương sau khi thí điểm đã xin "rút" vì nhân sự không đáp ứng yêu cầu. Thực tiễn này đòi hỏi tiến hành song song việc thí điểm với nghiên cứu khoa học để xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo nhân sự cho vị trí bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND địa phương. Tuy nhiên, công tác này chưa được quan tâm đúng mức và kịp thời.
Mặt khác, nhiều địa phương còn cứng nhắc trong việc xây dựng môi trường thí điểm mô hình "nhất thể hóa". Việc gộp hai chức danh quan trọng nhất ở địa phương làm một là sự thay đổi rất lớn, ảnh hưởng căn bản đến sự vận hành của hệ thống chính trị, làm xáo trộn cơ bản quy trình hoạt động của bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền ở địa phương. Nhưng nhiều địa phương không chủ động xây dựng các cơ chế, quy chế làm việc thích ứng với thay đổi căn bản này. Vì thế, có sự vênh nhau rất lớn giữa môi trường và con người làm việc tại các địa phương thực hiện thí điểm. Nhập hai vai vào một, tuy giảm đầu mối, nhưng số lượng công việc, cung cách làm việc, phối hợp công tác giữa các tổ chức, cơ quan không thay đổi. Hệ lụy của nó là người đảm nhiệm cùng lúc hai vai bí thư và chủ tịch bị quá tải về công việc, thường xuyên lẫn lộn trách nhiệm với nhau, thậm chí xảy ra tình trạng quan liêu, bỏ sót nhiệm vụ. Nhiều bí thư kiêm chủ tịch đã phải thừa nhận một thực tế: Thời gian hội họp của hai khối quá nhiều. Nếu giải quyết công việc của khối Nhà nước thì thời gian giải quyết công tác xây dựng Đảng, đoàn thể cũng như công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy bị hạn chế, làm giảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng và ngược lại. Một số địa phương thực hiện thí điểm tại Đà Nẵng đã đề nghị dừng thí điểm vì bất cập này. Như vậy, phải chăng có phần trách nhiệm của cấp ủy cấp trên đã không kịp thời hướng dẫn địa phương điều chỉnh cơ chế, quy chế làm việc thích ứng với việc "nhất thể hóa". Chưa kể, chế độ chính sách đối với cán bộ thực hiện cùng lúc hai vai cũng chưa có, phần nào đó ảnh hưởng đến động lực làm việc.
Việc thí điểm "nhất thể hóa" chức danh bí thư - chủ tịch cũng phần nào hạn chế khả năng kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị hiện nay. Đối với những địa phương vẫn tổ chức HĐND, việc giám sát, kiểm tra của HĐND đối với UBND cùng cấp bị hạn chế vì thông thường phó bí thư cấp ủy làm chủ tịch HĐND, khó có thể giám sát một cách công tâm cơ quan UBND do bí thư làm chủ tịch. Đối với những địa phương thí điểm bỏ HĐND đồng thời với nhất thể hóa chức danh bí thư - chủ tịch, công tác kiểm tra, giám sát đối với UBND có thể nói là gần như "bỏ ngỏ". Trong khi đó, với thí điểm "nhất thể hóa", các địa phương cũng không đồng thời tăng cường khả năng và nhiệm vụ giám sát, kiểm tra của cấp ủy, chính quyền cấp trên và tổ chức đoàn thể nhân dân cùng cấp. Thiếu sót này dẫn đến nguy cơ mất dân chủ, mất kiểm soát quyền lực dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, vi phạm các nguyên tắc lãnh đạo, điều hành của nhân sự bí thư kiêm chủ tịch.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã xác định: Cần tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn; đồng thời coi đây là một giải pháp quan trọng góp phần thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay. Như vậy, việc thí điểm sẽ tiếp tục diễn ra nên nhất thiết phải quan tâm đến những hạn chế mà kết quả thí điểm mô hình trên đã đặt ra. Số địa phương thí điểm mô hình "nhất thể hóa" không phải là nhỏ nên sớm tìm giải pháp khắc phục những hạn chế này là việc làm cấp thiết.
Trước năm 2009, một số địa phương như Quảng Ninh, An Giang đã thí điểm mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã. Việc thí điểm mở rộng được thực hiện tại nhiều địa phương từ năm 2009 đến nay. Theo Ban Tổ chức TƯ, có 4 quận, 12 huyện thuộc 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện đã thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hóa trên; 638 xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ trên cả nước đã thí điểm mô hình này. |