50% lượng rác thải tại huyện Thanh Oai chưa được xử lý: Lực bất tòng tâm!

Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 11/11/2013

(HNM) - Những năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư kinh phí rất lớn cho công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường, trong đó, tập trung đáng kể là việc xây dựng các khu xử lý chất thải, nhà máy xử lý rác sinh hoạt... Tuy nhiên, đến nay công tác xử lý rác thải ở nhiều huyện ngoại thành vẫn đang gặp không ít khó khăn,

Hàng nghìn tấn rác lưu cữu tại bãi rác Mọc Xá (xã Cao Dương) gây ô nhiễm môi trường.



Ô nhiễm vì... thiếu kinh phí

Huyện Thanh Oai có 21 xã, thị trấn, được chia thành 163 thôn, xóm, cụm dân cư. Từ năm 2009 đến nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đã thành lập các tổ thu gom rác thải theo mô hình thôn, xóm, cụm dân cư. Thực hiện Quyết định số 113/2009/QĐ-UBND ngày 21-10-2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đô thị, cuối năm 2010, UBND huyện Thanh Oai ký hợp đồng đặt hàng duy trì vệ sinh môi trường thường xuyên trên địa bàn với Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long, sau đó là Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Nam Thăng Long. Đến nay, rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày trong khu dân cư với khối lượng gần 100 tấn/ngày đã cơ bản được thu gom, vận chuyển ra các điểm trung chuyển. Do lượng rác được vận chuyển đi xử lý theo phân luồng vận chuyển về Khu xử lý rác thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) mỗi ngày chỉ được 50 tấn; còn khoảng 50 tấn rác phát sinh hằng ngày trên địa bàn huyện phải tồn lại hoặc chỉ được chôn lấp tạm thời tại các bãi rác ở các địa phương không hợp vệ sinh...

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai, toàn huyện hiện còn tồn tại 48 bãi rác hở, không hợp vệ sinh với lượng rác tồn đọng khoảng 8.500 tấn. Trong số các bãi rác hở trên địa bàn, bãi rác Mọc Xá (xã Cao Dương) có lượng rác đang tồn đọng nhiều nhất, với khối lượng khoảng 3.000 tấn. Mặc dù bãi rác này nằm khá xa khu dân cư, diện tích chiếm đất rộng (2.500m2), tuy nhiên đây là bãi rác quy mô toàn xã và hình thành từ nhiều năm nay, nên gây ô nhiễm nặng nề cho khu vực. Ngoài ra, bãi rác Phúc Sa (thôn Vĩ, xã Cao Viên) cũng đang tồn đọng một khối lượng lớn rác thải chưa được vận chuyển đi xử lý... Trước thực trạng rác thải tồn đọng quá nhiều, một số xã, thị trấn đã đề nghị UBND huyện có giải pháp khắc phục, nhưng đều "lực bất tòng tâm". Bởi huyện và các xã, thị trấn không có kinh phí để xây dựng các điểm tập kết rác hay ô chôn lấp rác hợp vệ sinh.

Phải phân loại rác tại nguồn

Ông Phạm Văn Phát, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai cho biết: "Do lượng rác được vận chuyển đi xử lý theo phân luồng đạt thấp, huyện lại chưa xây dựng được các điểm chôn lấp, tập kết rác thải hợp vệ sinh, nên hiện tại toàn bộ lượng rác tồn đọng được đưa về các bãi rác hở, gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trước thực trạng lượng rác tồn đọng quá nhiều, lại nằm phân tán ở hầu hết các xã, thị trấn, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao, từ đầu tháng 10-2013, UBND huyện Thanh Oai đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị cho phép các địa phương vận chuyển rác tồn đọng lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) với khối lượng 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, tại cuộc họp liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì mới đây tại huyện Thanh Oai, các sở, ngành chỉ đồng ý cho huyện vận chuyển mỗi ngày khoảng 20 tấn rác thải tồn đọng lên chôn lấp tại khu liên hợp này. Khối lượng rác phát sinh còn lại, huyện Thanh Oai phải xử lý tại chỗ...".

Cùng với việc đề nghị vận chuyển rác thải tồn đọng lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn xử lý, từ đầu năm 2013 đến nay, huyện Thanh Oai đã đầu tư kinh phí mua 310 xe chở rác chuyên dụng cấp cho các xã thực hiện việc vận chuyển rác từ khu dân cư ra bãi trung chuyển và chứa tạm thời. Ngoài ra, với mong muốn giảm lượng rác phải vận chuyển đi xử lý, Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Nam Thăng Long đã có tờ trình gửi UBND huyện Thanh Oai về việc xin đầu tư xây dựng trạm trung chuyển và phân loại rác tại nguồn trên địa bàn. Đây được coi là giải pháp tối ưu nhất nhằm giảm lượng rác phải vận chuyển lên các bãi xử lý rác tập trung của thành phố. Theo ông Phạm Minh Công, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Nam Thăng Long, nếu dự án xây dựng trạm trung chuyển và phân loại rác tại huyện Thanh Oai được chấp thuận, công ty sẽ đầu tư khoảng 6 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, mua dây chuyền phân loại rác tại nguồn. Theo lãnh đạo công ty này, nếu có trạm trung chuyển và phân loại rác được đưa vào hoạt động sẽ giảm được khoảng 30-35% khối lượng rác phải vận chuyển đi xử lý, đồng thời giảm được chi phí vận chuyển và giảm tải cho các khu xử lý rác tập trung của thành phố. Lượng mùn và chất trơ sẽ được công ty xử lý theo phương pháp xử lý chất thải ứng dụng công nghệ Fukuoka và chôn lấp ngay tại địa phương.

Hiệu quả của giải pháp là vậy, nhưng đến bao giờ doanh nghiệp mới có thể triển khai được dự án thì hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng... Điều này đồng nghĩa với việc người dân huyện Thanh Oai vẫn còn phải "sống chung" với rác thải dài dài...!

Bài, ảnh: Đỗ Hà