Bão Haiyan diễn biến khó lường, miền Bắc dồn lực ứng phó
Đời sống - Ngày đăng : 06:02, 11/11/2013
Rạng sáng nay 11-11, bão đã đổ bộ vào các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, trọng tâm là thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh... Trước tình hình khẩn cấp này, suốt ngày và đêm qua, các tỉnh Bắc bộ và Hà Nội đã huy động toàn bộ lực lượng, tổ chức kiểm tra, chỉ đạo và tiến hành công tác chống bão và mưa lớn với ưu tiên số một là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Lực lượng biên phòng Cô Tô (Quảng Ninh) hướng dẫn ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi trú, tránh bão. Ảnh: TTXVN |
Với vận tốc di chuyển nhanh, khoảng từ 30 - 35 km/h, sức gió tối đa 102 km/h (tương đương cấp 10), bão Haiyan đi vào các tỉnh ven biển Đồng bằng Bắc bộ, sâu vào nội địa, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Từ tối qua, các tỉnh ven biển phía đông Bắc bộ có gió mạnh tới cấp 10, Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa rải rác, những dấu hiệu đầu tiên của mưa lớn sẽ đổ xuống. Trong khi đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trong ngày 10-11, các tỉnh Trung Trung bộ, Bắc Trung bộ cũng có gió giật mạnh cấp 6-7. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to.
Nơi tâm bão đổ bộ - thành phố Hải Phòng, từ trưa 10-11, đảo Bạch Long Vĩ bắt đầu có mưa to, gió bão cấp 6, cấp 7. Những hộ dân ở khu vực cảng Bạch Long Vĩ đã được đưa vào nơi tránh bão. Các quận, huyện ven biển như Đồ Sơn, Cát Hải, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Hải An… đã bắt đầu di dân tại chỗ. TP Hải Phòng đã lên phương án sơ tán gần 80.000 người. Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, thành phố đã chỉ đạo cấm biển, dừng mọi hoạt động chở khách, vui chơi trên biển từ 15h ngày 10-11, đồng thời huy động tàu đưa khách du lịch từ đảo Cát Bà về đất liền trước 17h cùng ngày. Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng đã huy động lực lượng cơ động gồm hơn 1.500 người, lực lượng tại chỗ gần 5.500 người sẵn sàng ứng phó.
Tại tỉnh Thái Bình, từ chiều 10-11, đã có mưa rải rác và gió mạnh dần lên cấp 5. Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình phối hợp với chính quyền huyện Tiền Hải và Thái Thụy kêu gọi hơn 1.200 tàu thuyền đánh cá với gần 3.500 lao động đang khai thác hải sản vào khu neo đậu an toàn trước 17h cùng ngày, kiên quyết di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, thủy hải sản cùng trên 1.600 hộ dân với khoảng 6.300 nhân khẩu sống ở ngoài đê chính thuộc khu vực 2 huyện ven biển này vào khu vực trong đê. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng ráo riết chỉ đạo tiêu nước triệt để trên các trục sông để đề phòng mưa lớn gây ngập úng cây vụ đông.
Tại Quảng Ninh, vùng biển đảo Cô Tô cũng có gió cấp 6, cấp 7 mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, biển động. Huyện đảo Cô Tô đã kêu gọi 500 phương tiện, 1.672 ngư dân vào nơi neo đậu tránh trú bão an toàn. Các lực lượng cũng trực tiếp hướng dẫn ngư dân neo đậu, chằng chống phương tiện, di chuyển người lên bờ để bảo đảm an toàn.
Bảo vệ kè đê biển Ninh Phú, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vào chiều 10-11. Ảnh: Hà Đồng |
Chiều tối 10-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng NN& PTNT Cao Đức Phát đã tới Thanh Hóa, triệu tập cuộc họp khẩn nhằm cập nhật thông tin về bão số 14 và đưa ra những chỉ đạo ứng phó mới. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục lưu ý các địa phương, đặc biệt các tỉnh duyên hải từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc cảnh giác cao độ với diễn biến bất thường của bão. Trước đó, đoàn công tác đã tới thị sát, kiểm tra an toàn và điều tiết nước tại hồ Vực Mấu (Nghệ An). Cũng trong tối qua 10-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục đi lên phía Bắc, tới Hải Phòng và Quảng Ninh để chỉ đạo chống bão có khả năng đổ bộ trực tiếp vào khu vực này. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc rà soát, điểm danh các hồ chứa yếu tương tự các điểm xung yếu, các khu dân cư bị nguy cơ ngập lũ để có phương án túc trực, xử lý với mưa lũ trong bão.
Theo thống kê, đã có 10 người chết do ảnh hưởng của siêu bão Haiyan tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh.