Không thể thiếu tầm nhìn xa

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:44, 11/11/2013

(HNM) - Sau khi hoành hành, tàn phá và gây thiệt hại vô cùng to lớn ở Philippines, siêu bão Haiyan (cơn bão số 14) đã vào Việt Nam. Hai ngày qua, sự hiện diện và khả năng gây ảnh hưởng xấu từ cơn bão chưa từng thấy với nước ta đã là một chủ đề lớn mà từ nó, người ta có thể thấy được nhiều điều mới mẻ trong công tác dự báo, phương án phòng, chống và giảm nhẹ tác hại từ thiên tai.

Sau gần nửa thế kỷ, người dân Trung bộ lại phải đào hầm trú ẩn, chạy bão như chạy giặc và chống bão như chống ngoại xâm. Hơn nửa triệu người phải sơ tán, hàng triệu ngôi nhà đối diện cảnh tan hoang, bao nhà cửa, tài sản, hoa màu trước nguy cơ mất trắng… Với cường độ và sự khó lường, bão Haiyan, với người dân Việt Nam và có thể là với cả những nhà hoạch định chiến lược đối phó với thiên tai, đích thị là một sự mới mẻ mà không phải ai cũng có thể lường trước, có thể nghĩ trước chính xác rằng mình sẽ phải làm gì nếu thảm họa xảy ra. Cơn bão này, không nghi ngờ gì nữa, đặt ra trước nhiều cấp, nhiều ngành và cả người dân Việt Nam yêu cầu điều chỉnh, cải thiện chất lượng triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tới năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành và Nghị quyết "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường" - được thông qua tại Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XI.

Thực tế cho thấy là càng ngày Việt Nam càng chủ động hơn trong việc phòng chống thiên tai. Việc phòng chống bão Haiyan phản ánh một cuộc ra quân đồng bộ trên phạm vi rộng lớn của các cấp, ngành, với tinh thần chủ động và khả năng huy động nguồn lực ở mức có thể. Tuy nhiên, dù đã cố gắng, dù đã huy động tổng lực để chống siêu bão Haiyan, ta vẫn phải thừa nhận rằng hiệu quả phòng chống bão (và cả hậu quả mà nó gây ra) cuối cùng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hướng đi, cường độ của chính cơn bão. Nếu siêu bão không đổi hướng, không "chịu" giảm cường độ, một "miền Trung ứ nước" liệu sẽ ra sao?

Con người không thể lẩn tránh thiên tai, chưa thể can thiệp nhằm điều chỉnh sự đỏng đảnh của thời tiết theo ý muốn và bởi vậy, cần phải tìm cách đối diện với chúng, tìm ra cách hạn chế thiệt hại ở mức thấp. Cách tốt nhất, hiệu quả nhất không có gì khác ngoài kế hoạch hành động khả thi dựa trên chiến lược dài hạn, đồng bộ được xây dựng nhờ tầm nhìn xa, rõ tính dự báo. Việt Nam đã có luật, kế hoạch mang tính chiến lược, nhưng vấn đề vĩ mô phải được thể hiện, được thực hiện sáng tạo trong thực tế triển khai. Nhiệm vụ, mục tiêu phòng chống thiên tai nhất thiết cần được lồng ghép trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, có lưu ý đến nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể ở từng vùng. Chẳng hạn như xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển thì không thể bỏ qua giải pháp cải thiện đời sống ngư dân, điều kiện đánh bắt hải sản, mô hình đô thị ven biển - những yếu tố luôn gắn liền với công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là phòng chống bão. Quy hoạch mạng lưới thủy điện, xây dựng hồ, đập cũng vậy, không thể tách rời những yếu tố liên quan đến nhiệm vụ phòng chống thiên tai ở từng địa bàn, khả năng huy động nguồn lực để giải quyết tình huống ngoài ý muốn...

Phòng chống thiên tai, vì thế, rõ dáng dấp của một phần việc mang tính liên ngành, cần phải được nghiên cứu thực hiện một cách bài bản dựa trên kế hoạch phát triển tổng thể.

Dục Tú