Hà Nội gấp rút triển khai ứng phó bão Haiyan

Đời sống - Ngày đăng : 17:21, 10/11/2013

(HNMO) – Trước diễn biến của của cơn bão số 14 (có tên quốc tế Haiyan) nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội, sáng 10-11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCLB TP, chỉ trì cuộc họp bàn biện pháp đối phó với cơn báo số 14.


Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị phòng, chống bão số 14. Ảnh: Anh Quý/Báo KT&ĐT.


Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCLB thành phố, bão Haiyan kèm theo mưa lớn có thể xảy ra hiện đổ cây xanh, cột điện bị, úng ngập nhiều tuyến đường và ách tắc giao thông trong nội thành; khu vực ngoại thành, có thể xảy ra ngập úng trên diện rộng ảnh hưởng đến hàng nghìn hécta cây trồng vụ đồng, cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thủy sản; các huyện vùng núi của thành phố có thể xảy ra lũ quyét, sạt lở đất; vùng trũng, thấp nhiều khả năng bị chia cắt; các công trình xây dựng dở dang, nhà cửa xây dựng từ lâu, xuống cấp, nhà cấp bốn có thể bị tốc mái… Đáng ngại nhất, các tuyến đê trên địa bàn bàn thành phố có 4 trọng điểm xung yếu như: Xuân Canh, Long Tửu (tả Đuống), Thanh Am, Tình Quang (hữu Đuống), Liên Mạc (hữu Hồng), Yên Sở (hữu Hồng) cần phải theo dõi mọi diễn biến chặt chẽ. Bên cạnh đó, các sự cố chưa được xử lý sau bão số 5 và 6 vừa qua như sự cố đê tả Đuống, xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm hoặc các điểm xung yếu Cống trạm bơm Đan Hoài, Cụm công trình đầu mối Lương Phú phải thường trực theo dõi chặt chẽ mọi sự cố có thể ập đến.

Sau khi nhận được công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã có các công điện các cấp, các ngành quyết liệt chỉ đạo ứng phó với bão. Trong sáng 10-11, các doanh nghiệp thủy lợi đã cho mở các cống để tiêu kiệt nước đệm trên hệ thống, đồng thời sẵn sàng vận hành 1.695 máy bơm tiêu úng phục vụ sản xuất. Với các hồ chứa đã hạ mực nước xuống dưới mức thiết kế đề phòng mưa lớn; các công trình, dự án ảnh hưởng đến tiêu thoát nước trên hệ thống đã được thanh thải.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội ứng trực tại các điểm ngập của TP Hà Nội đợt mưa ngày 8/8. Ảnh: Văn Chiến


Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã bố trí 100% quân số ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm an toàn và cung cấp đủ điện phục vụ chống úng ngập, đồng thời kịp thời xử lý sự cố phát sinh; Công ty Thoát nước Hà Nội có sẵn sàng cho công tác chống úng ngập trong nội thành; Sở Xây dựng đã chỉ đạo xử lý úng ngập, cây đổ trên các tuyến đường, không để xảy ra ách tắc giao thông; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dừng thi công các công trình xây dựng, đặc biệt bảo đảm an toàn các công trình cao tầng, thiết bị cẩu tháp…;

Sở Công thương đã bố trí 4 doanh nghiệp chuẩn bị hàng hoá, lương thực, nhu yếu phẩm cứu trợ nhân dân trong mưa lũ; Sở Y tế đã chuẩn bị thuốc, men, thiết bị y tế để sẵn sàng cấp cứu người bị nạn, chuẩn bị thuốc khử trùng, phòng chống dịch bệnh bảo đảm sức khoẻ người dân...

Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chủ động phối hợp với các địa hương sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu phòng chống mưa úng… Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị chức năng đã chủ động hướng dẫn, kịp thời phân luông giao thông để tránh ùn tắc khi xảy ra mưa úng; bố trí lực lượng, phương tiện vận tải bảo đảm vận chuyển thông suốt, an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ người và tài sản của nhân dân, đặc biệt là các khu vực ngập úng nguy hiểm.

Các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo khá quyết liệt chống úng ngập, ách tắc giao thôn, sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ quyét, lũ rừng ngay, nước dâng cao ở vùng ven sông, ven suối bảo dản an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân; tổ chức thường trực, ứng cứu kịp thời khi xảy ra xự cố, không để người dân bị đói, thiếu lương thực, nước uống.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo các lực lượng từ thành phố xuống đến cơ sở thường trực 24/24 giờ ứng phó với bão Haiyan. Theo đó, các thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB thành phố đến từng cơ sở, bám địa bàn chỉ đạo các lực lượng chằng chống nhà cửa, sơ tán về nơi an toàn, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội… Chủ tịch UBND TP chỉ rõ, nhiệm vụ hàng đầu là phải bảo đảm an toàn tính mạng, tải sản của nhân dân, nhà nước, của xã hội và đây là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, chính quyền địa phương.

Chủ tịch UBND TP lưu ý, phải kiểm tra người dân có thực hiện nghiêm công tác PCLB hay không, tránh tình trạng một số người dân có tâm lý chủ quan, lơ là dẫn đến thiệt hại ngoài ý muốn. Cùng với đó, chuẩn bị chu đáo nơi sơ tán dân, nhất là ở những nhà chung cư cũ trong nội thành, nhà cấp bốn khu vực ngoại thành. Địa phương nào chậm trễ sơ tán nhân dân, để xảy ra sập nhà dẫn đến chết người hoặc bị thương do mưa bão, chủ tịnh quận, huyện, thị xã nơi đó phải chịu trách nhiệm trước UBND TP. Liên quan đến việc này, các doanh nghiệp phát triển nhà của thành phố có quỹ nhà, kể cả quỹ nhà bố trí tái định cư phải bố trí vào mục đích sơ tán dân tránh bão và việc này phải thống kê thực hiện trong 15h chiều 10-11.

Chủ tịch UBND TP lệnh cho các sở, ngành liên quan bảo đảm đủ lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ công tác PCLB đáp ứng yêu cầu của từng địa phương. Căn cứ vào diễn biến mưa bão, Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh nghỉ học vào ngày 11-11. Ngành nông nghiệp theo dõi chặt chẽ các trọng điểm đê điều, công trình thuỷ lợi để xử lý khắc phục sự cố ngay từ giờ đầu và có phương án tiêu thoát nước hợp lý, tránh tình trạng để xảy úng ngập cục bộ, cô lập, chia cắt. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương có biện pháp chống đỡ cây xanh, cột điện yếu để không bị đổ, kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự; cảnh báo những nơi có thể xảy ra ngập úng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng người dân, nhất là khu vực các sông trong nội thành. Trong trường hợp cần thiết thì huy động các lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện hướng dẫn giúp đỡ nhân dân trong mưa lũ. Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, trừ các hoạt động liên quan đến an ninh, quốc phòng, phải dừng tất cả các cuộc họp tập trung cho công tác PCLB.

Hữu Hoài