Song Phương, đất nghèo ham học
Xã hội - Ngày đăng : 05:40, 10/11/2013
Dân số Song Phương thuộc loại đông nhất nhì của huyện. Điều đáng nói ở miền quê này là dù điều kiện trường học còn nhiều khó khăn, phòng học thiếu… nhưng phong trào học tập ở đây lại trong nhóm đầu của huyện. Anh Nguyễn Bá Hạ có con gái là cháu Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (năm học vừa rồi đạt giải nhì toán cấp thành phố) cho biết: 90% dân số ở thôn sống dựa vào nông nghiệp, trong đó, một nửa số hộ tham gia chạy chợ, 1-2 giờ sáng đã vào các chợ nội thành bán rau, củ, quả. Gia đình anh cũng không ngoại lệ, ngoài chạy chợ, còn làm đủ thứ việc khác nên ngay từ khi còn nhỏ, các cháu đã được huấn luyện tính tự giác trong học tập và sinh hoạt. Trẻ con ở đây từ tiểu học trở đi là đã phải tự đến trường, rất ít có gia đình đưa đón con, nhưng cháu nào cũng chăm ngoan, nhiều cháu đạt thành tích cao trong học tập. Để con em có được tinh thần thi đua học tập tốt như vậy một mặt là nhờ truyền thống hiếu học của xã, mặt khác là người dân đã ý thức được rằng học chính là con đường để thoát nghèo. Vì vậy, họ rất quan tâm đầu tư cho con em.
Sân trường Tiểu học Song Phương giờ ra chơi. |
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Song Phương, thầy Lê Đức Tuấn chia sẻ: Ở cái tuổi "vắt mũi chưa sạch" những đứa trẻ ở đây đã biết một buổi đi học, một buổi ra đồng. Do thiếu phòng học, trường chưa có điều kiện chia tách, hiện số học sinh tiểu học của xã lên tới trên 1.000 học sinh với 32 lớp nhưng chưa có lớp nào được học 2 buổi/ngày. Nhiều môn như tiếng Anh, các cháu lớp 1, 2 cũng chưa được làm quen, học sinh lớp 3, 4 muốn học tin học, trường phải bố trí cho đi học vào sáng thứ bảy. Khó khăn vậy nhưng chúng tôi xác định: Trẻ em nông thôn học từ những người xung quanh, bố mẹ và gia đình sẽ là người chỉ dạy hằng ngày để các em tiếp thu dần. Cuộc sống thôn quê còn nhiều thiếu thốn nhưng ở đây trẻ em đều học giỏi, vượt khó, làm việc chăm chỉ, biết lo nghĩ đến bố mẹ...
Ở góc độ khác, địa phương rất khuyến khích tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ, xã và các dòng họ luôn tổ chức các hoạt động khuyến học, khen thưởng các em có thành tích học tập tốt, tạo nguồn học bổng cho những em học giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn, hoặc cha mẹ học sinh có điều kiện đã tự đóng góp kinh phí, công lao động để tu sửa trường, lớp... Về phía nhà trường thì mỗi lớp học đều có những cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng với phong trào của toàn ngành được phát động, nhà trường đã vận động xã hội hóa, xây dựng thư viện sách diện tích hơn 70m2 với hơn 6.000 đầu sách, phần lớn là sách tham khảo, sách nâng cao… để các em có điều kiện ôn tập, nâng cao kiến thức.
Nhờ có thư viện tốt, phong trào văn hóa đọc, xây dựng các tủ sách lớp học… đã kích thích tinh thần tự học, sáng tạo, tìm hiểu kiến thức của học sinh. Điển hình như em Lưu Tiến Thịnh, mặc dù bị bệnh suy tủy, cứ chục ngày lại phải đi viện truyền máu nhưng hễ ở viện về là lại đến trường và rất ham học. Rồi một loạt các học sinh đạt giải nhất, giải nhì các môn cấp thành phố mà đa phần đều là con nhà nông, bố mẹ bận bịu suốt ngày. Việc ở đây có rất nhiều gia đình nông dân chất phác, suốt ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng lại nuôi hai, ba con học giỏi, được nhiều giải thưởng cao để rộng đường đến với giảng đường đại học là minh chứng đáng nể phục của đất học Song Phương.