Bình yên ở làng công giáo Trung Hòa

Xã hội - Ngày đăng : 05:39, 10/11/2013

(HNM) - Con đường nối từ quốc lộ 21 vào cụm dân cư công giáo toàn tòng Trung Hòa, xã Dân Hòa (Thanh Oai) thẳng tắp, sạch sẽ, hai bên là những tòa nhà cao tầng san sát, xen lẫn cây xanh tỏa bóng quanh năm.


Ở Trung Hòa, người dân đã quá quen với hình ảnh một người đàn ông gầy gò, ngày ngày rảo bước trên các con ngõ để nhắc nhở, trao đổi với bà con về các vấn đề trong xóm, trong làng như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, đoàn kết hàng xóm láng giềng... Đó là ông Nguyễn Tiến Hách, cựu chiến binh chống Mỹ, năm nay 67 tuổi, có gần 33 năm làm Đội trưởng đội sản xuất và Trưởng cụm dân cư. Ông Hách bộc bạch: "Trung Hòa được công nhận là cụm dân cư văn hóa công giáo toàn tòng với 244 hộ gia đình, 842 nhân khẩu. Hàng chục năm qua, cụm luôn giữ vững danh hiệu là địa bàn "trắng" tệ nạn xã hội, kinh tế phát triển, nhân dân đoàn kết gắn bó xây dựng quê hương. Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", người công giáo Trung Hòa luôn gương mẫu triển khai các phong trào thi đua ở địa phương, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước".

Nghề làm lồng chim ở Trung Hòa cho thu nhập ổn định.


Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mảnh đất Trung Hòa là nơi che giấu an toàn cho cán bộ hoạt động cách mạng; xây dựng kho lương thực và cơ quan Bộ NN&PTNT; tiếp đón hàng nghìn lượt người dân thành phố về sơ tán... Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay người dân Trung Hòa đã thực hiện tốt phương châm phát triển kinh tế "ly nông bất ly hương". Nhờ nghề làm lồng chim truyền thống mà thu nhập bình quân đầu người của cụm Trung Hòa một năm đạt 25 triệu đồng; hơn 80% hộ xây dựng được nhà cao tầng khang trang, hiện đại. Anh Lương Văn Tần, một thợ lành nghề lâu năm, chuyên làm lồng chim mi chia sẻ: "Nghề làm lồng chim phát triển mạnh kể từ khi Nhà nước cấm sản xuất pháo, khoảng năm 1996-1997 trở lại đây. Giai đoạn hưng thịnh nhất của nghề là năm 2011 và 2012, có lúc không đủ hàng bán cho khách. Năm nay kinh tế khó khăn, hàng bán chậm hơn, thu nhập cũng giảm". Theo người dân Trung Hòa, thời điểm thu nhập cao nhất, ngày công của một lao động khoảng 300 - 400 nghìn đồng, bình quân mỗi hộ thu nhập đến 1 triệu đồng. Mong ước lớn nhất của người dân Trung Hòa hiện nay là quy hoạch, xây dựng điểm tiểu thủ công nghiệp tập trung để đưa nghề làm lồng chim vào sản xuất chuyên nghiệp, bảo đảm môi trường làng nghề.

Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng tổ chức Đảng ở Trung Hòa cũng được quan tâm đầy đủ và đạt kết quả tốt. Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Thu cho rằng, vui mừng nhất với người công giáo Trung Hòa là tháng 11-2011, Chi bộ cụm dân cư được thành lập với 3 đảng viên. Từ đó đến nay, Chi bộ liên tục được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Số lượng đảng viên mới cũng tăng thêm 4 người, trong đó có những giáo dân trẻ tuổi trong giáo xứ như đảng viên Tô Văn Hữu (đang tham gia Ban hành giáo của Giáo xứ Canh Hoạch), đảng viên Lương Văn Đô (Trưởng ca đoàn Giáo xứ Canh Hoạch)... Ngoài ra, những việc làm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc được lãnh đạo cụm dân cư và Ban hành giáo phối hợp tổ chức chặt chẽ, hiệu quả như Quỹ xóa đói giảm nghèo có 624 triệu đồng, đang cho hơn 50 hộ gia đình vay; Quỹ khuyến học với hơn 50 triệu đồng, hằng năm khen thưởng các cháu đỗ đại học số tiền trị giá tương đương 500kg thóc và tặng phần thưởng cho các cháu chăm ngoan, học giỏi các cấp... Một số hoạt động mang tính phi lợi nhuận khác cũng được cụm dân cư Trung Hòa tổ chức nền nếp, hiệu quả như Đội kèn đồng 48 người, Hội trống sấm 48 người... "Ý nghĩa lớn nhất là bà con công giáo Trung Hòa thành lập Hội Bác ái để quan tâm đến người già yếu, bệnh tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và những người bị khuyết tật. Cứ mỗi năm 3 lần vào tháng 4, lễ Noel, Tết Nguyên đán, Hội tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà các đối tượng ở trong cụm và ở các cụm dân cư xung quanh" - Trưởng cụm dân cư Nguyễn Tiến Hách cho hay.

Sự khởi sắc và yên bình ở cụm dân cư công giáo Trung Hòa là nhờ sự đồng thuận của toàn dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên có tâm huyết, trách nhiệm, biết lắng nghe và biết tổ chức vận động. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay, người công giáo Trung Hòa tiếp tục hướng đến những mục tiêu mới với những thành tựu mới lớn hơn và ý nghĩa hơn.

Bài, ảnh: Nam Phong