Sẵn sàng ứng phó “siêu” bão
Đời sống - Ngày đăng : 05:17, 10/11/2013
Suốt ngày và đêm 9-11, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ đã nỗ lực ở mức cao nhất, khẩn trương di chuyển hàng trăm nghìn người dân và neo đậu tàu thuyền về nơi an toàn; tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, công trình, kho tàng, bến bãi, sẵn sàng ứng phó "siêu" bão.
Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị giúp nhân dân xã vùng biển Hải An, huyện Hải Lăng sơ tán tránh bão. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
"Siêu" bão đang di chuyển lên phía Bắc
|
Trong bản tin cập nhật dự báo đường đi của bão Haiyan vào tối 9-11, Cơ quan khí tượng thủy văn trung ương cho biết, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 30-35km/h. Đến cuối chiều nay (10-11), vị trí tâm bão áp sát đất liền, ngay trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Hà Tĩnh, sức gió cấp 13, cấp 14 (134-166km/h), giật cấp 15, cấp 16. Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm KTTV trung ương, sáng sớm 10-11, các tỉnh ven bờ Bình Định cho đến Đà Nẵng đã có gió mạnh. Mặc dù yếu hơn so nhận định ban đầu, nhưng đây là cơn bão rất mạnh nên khi di chuyển theo dọc ven biển và đổ bộ vào đất liền, gió bão vẫn có thể mạnh tương đương, thậm chí mạnh hơn cơn bão số 10 và 11. Phạm vi ảnh hưởng của bão trải rộng hơn. Các tỉnh ven biển phải đề phòng khi bão đổ bộ với cường độ rất mạnh. Cụ thể, các tỉnh từ Phú Yên đến Quảng Nam đề phòng gió cấp 7 đến cấp 9 và giật cấp 10 đến cấp 12. Các tỉnh trực diện khi bão áp sát, từ Đà Nẵng đến Hà Tĩnh đề phòng gió mạnh từ cấp 9 đến cấp 12, có thời điểm lên tới cấp 13, giật 14, cấp 15. Các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đề phòng gió bão mạnh cấp 6 đến cấp 8 và giật cấp 9 cho đến cấp 11. Ở phía Bắc, kết hợp hoàn lưu cơn bão số 14 và gió mùa Đông Bắc tăng cường xuống vào ngày 10-11, toàn bộ các tỉnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7 trở lên. Ông Bùi Minh Tăng cho biết, về tình hình mưa, do tàn dư bão sẽ đi vào Vịnh Bắc bộ nên sẽ gây ra đợt mưa lớn bao trùm khu vực Bắc bộ, trong đó có Hà Nội. Mưa bắt đầu từ trưa, chiều 10-11, có thể kéo dài tới ngày 11-11, thậm chí có một số nơi kéo dài đến ngày 12-11. Dự kiến lượng mưa nơi thấp nhất khoảng 100mm, nơi cao tới 300mm, thậm chí có nơi tới 400-500mm.
Huy động toàn bộ lực lượng chống bão, di dân đến nơi an toàn
Ngày 9-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục ban hành công điện khẩn số 1850, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh từ Bình Thuận đến Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ hoặc đến nơi trú ẩn an toàn. Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, triển khai và rà soát ngay những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời dân, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ sau bão; triển khai phương án chủ động tiêu thoát nước đô thị tại các thành phố lớn; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống ngập để bảo đảm sản xuất vụ đông...
Trong ngày 9-11, 2 đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra công tác chống bão số 14 tại các tỉnh miền Trung. Tại Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão tại các điểm xung yếu, trong đó có công trình trọng điểm Cảng Dung Quất. Tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức di chuyển 54.050 hộ với 216.000 nhân khẩu buộc phải sơ tán tập trung; 27.500 hộ với 109.000 nhân khẩu sơ tán xen ghép. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, Nhà nước, bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân. Trong khi đó, vào chiều tối 9-11, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Trưởng ban Chỉ đạo PCLB trung ương Cao Đức Phát đã họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, toàn bộ 2.500 tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị đã vào nơi neo đậu. Tỉnh có kế hoạch sơ tán 20.000 hộ dân với 82.000 nhân khẩu đến nơi an toàn, hoàn thành trong ngày và đêm 9-11. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Trị kiểm tra lại các phương án sơ tán dân, giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thuốc men cho những hộ dân di dời đến các trụ sở trường học. Phó Thủ tướng lưu ý chỉ đạo vận hành hồ chứa, tránh ngập lũ cho vùng hạ du, trong thời gian bão đổ bộ không cho xe cộ qua lại trên đường. Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra công tác sơ tán dân ở vùng ven biển các xã Hải Khê, Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tình hình đối phó với bão số 14 tại các huyện phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, các tỉnh từ Ninh Bình đến Phú Yên đã lên kế hoạch sơ tán gần 1 triệu người, đến thời điểm chiều tối ngày 9-11 đã sơ tán 365.000 người về nơi an toàn. Quân khu V đã lên phương án hỗ trợ quốc phòng, triển khai 5.400 bộ đội chủ lực và 7.500 dân quân tự vệ xuống hỗ trợ người dân phòng chống bão; đồng thời, huy động 2 trực thăng, 200 phương tiện ứng cứu kịp thời khi có tình huống khẩn cấp.
*Bộ CA yêu cầu CA các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban, trực chiến 24/24h với 100% quân số, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng bảo đảm ANTT, bảo vệ an toàn tài sản của cơ quan, tổ chức và nhân dân. CA các đơn vị, địa phương chủ động phương án hướng dẫn, phân luồng giao thông, trọng điểm là QL 1, đường Hồ Chí Minh; bố trí lực lượng thường trực điều tiết giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, ngầm qua đường… * Từ sáng 9-11, ba nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone đã chủ động nhắn tin cho khách hàng về ảnh hưởng của cơn bão số 14 và xây dựng phương án ứng phó với "siêu" bão. * Do ảnh hưởng của cơn bão số 14, tối 9-11, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã quyết định hủy 62 chuyến bay đến/đi từ các sân bay Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa, Plâyku, Buôn Mê Thuột, Quy Nhơn, Tuy Hòa trong ngày 10-11. Đối với 2 sân bay Đà Nẵng và Huế, dự kiến các chuyến bay sẽ được nối lại từ sau 18h ngày 10-11. Ngay từ chiều tối 9-11, Vietnam Airlines đã chủ động tăng cường nhiều chuyến bay và sử dụng máy bay lớn hơn để phục vụ số hành khách bị ảnh hưởng. Tư Đô - Châu Anh - Tuấn Lương -------------------------------------------- Tại Hà Nội, theo dự báo sẽ có mưa vừa đến mưa to với lượng phổ biến từ 200 đến 300mm. Trước tình hình này, ngày 9-11, Ban Chỉ huy PCLB thành phố đã ban hành công điện khẩn số 12, yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các ban, ngành liên quan chủ động chống mưa lũ; sơ tán dân ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn, nhất là vùng đồi núi, ven sông, ven suối; các địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức giúp dân chằng chống, bảo vệ tài sản và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. |