Hà Nội cần trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước
Xã hội - Ngày đăng : 05:02, 10/11/2013
Trân trọng tiếng nói của doanh nghiệp
- Là một trong những đầu tàu kinh tế lớn nhất của cả nước, Hà Nội luôn có lực hấp dẫn đặc biệt với các nhà đầu tư. Ông đánh giá thế nào về kinh tế Hà Nội trong bối cảnh hiện nay?
- Từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đối diện với sự hội tụ và tương tác phức tạp bởi ba nhóm nhân tố lớn là: Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu; Việt Nam gia nhập WTO; đặc biệt, Thủ đô triển khai đợt mở rộng địa giới hành chính lớn nhất trong lịch sử phát triển của mình. Trong bối cảnh đó, kinh tế Thủ đô vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao. So với 5 năm trước đây, Thủ đô Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, ngày càng mở rộng và phát triển toàn diện cả bề rộng và chiều sâu; gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Trên địa bàn Hà Nội có 8 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích trên 1.230ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 98%. Năm 2013, Hà Nội có thêm hai khu công nghiệp mới là Khu công nghiệp công nghệ thông tin và Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Các khu công nghiệp mới, với hạ tầng đồng bộ, hiện đại và định hướng phát triển mới là điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và các ngành có trình độ công nghệ cao tiếp tục được chú trọng phát triển. Các nguồn lực của Hà Nội đang được khai thác và phối hợp sử dụng ngày càng hiệu quả hơn. Thành phố đã tích cực rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. |
- Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều nỗ lực để trụ vững và từng bước vượt khó. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Thực tế cho thấy, trong bối cảnh chung cả nước còn rất khó khăn, nhưng điều đáng mừng là tỷ lệ DN phá sản, ngừng hoạt động của Hà Nội năm nay đã giảm so với năm ngoái. Tuy số DN trong nước đăng ký thành lập thấp hơn so với năm 2012, nhưng tổng số vốn đăng ký lại tăng so với cùng kỳ, ngược với sự suy giảm chung gần 20% vốn đăng ký mới của khu vực DN trong cả nước. Ngoài ra, so với mặt bằng chung của cả nước thì tỷ lệ số DN phải giải thể cũng ít hơn, DN thành lập mới thì nhiều hơn… Dư luận cũng đánh giá cao quan điểm của lãnh đạo thành phố là trân trọng tiếng nói của cộng đồng DN, đòi hỏi nghiêm khắc hơn đối với đội ngũ cán bộ của mình cả về năng lực và trách nhiệm, kỷ luật công vụ để cải thiện môi trường đầu tư và chỉ số PCI.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
- Thưa ông, bên cạnh những ưu điểm như ông vừa nêu, Hà Nội còn những hạn chế gì cần được khắc phục để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế?
- Cũng như bức tranh kinh tế chung cả nước, kinh tế Thủ đô tuy có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng vẫn còn bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững. Huy động vốn trong và ngoài nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Hà Nội. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Đặc biệt, vai trò các ngành công nghiệp chủ lực chưa rõ nét, chất lượng nguồn nhân lực và thiết bị, công nghệ phổ biến ở trình độ trung bình. Nhiều dự án trọng điểm còn triển khai chậm. Việc đầu tư vào lĩnh vực đô thị, nhà ở phát triển nóng dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, thị trường bất động sản đóng băng... Tính bền vững và hiệu quả tăng trưởng từ năm 2008 đến nay của Hà Nội bộc lộ khá đậm.
- Ông có thể cho biết rõ hơn những “lực cản” đối với sự phát triển của kinh tế Thủ đô?
- Tôi cho rằng, trước hết là do khối lượng công việc phải giải quyết trên địa bàn rất lớn, đa dạng và phức tạp, trong khi đó sự phân công phân cấp và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực ban hành chậm, thiếu đồng bộ, không ít nội dung còn chồng chéo. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trung ương với thành phố chưa đầy đủ, kịp thời, nhất là việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ những khó khăn từ thực tiễn. Bên cạnh đó,
Hà Nội là thành phố có môi trường cạnh tranh quyết liệt, có số lượng DN rất lớn (khoảng 95.000 DN đang hoạt động), giá đất và dịch vụ kinh doanh cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác, nên DN có nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính. Một số thủ tục có hiện tượng quá tải như: Thuế, đăng ký DN, hải quan, bảo hiểm… đã làm DN mất thêm nhiều thời gian, chi phí đi lại. Thêm vào đó, do mở rộng địa giới Thủ đô, nên Hà Nội mất nhiều thời gian kiện toàn, sắp xếp hài hòa bộ máy quản lý và môi trường thể chế phát triển; phải tới năm 2011 Hà Nội mới được thông qua quy hoạch và chiến lược phát triển tổng thể, từ đó mới triển khai các bước tiếp theo trong rà soát, xây dựng các dự án để giới thiệu tới nhà đầu tư. Hơn nữa, giá đất của Hà Nội cao nhất trong cả nước, nên việc tiếp cận đất đai tại Hà Nội luôn là rào cản làm giảm tính cạnh tranh khi đầu tư vào Hà Nội và khiến thành phố thường bị “điểm liệt” về điều kiện tiếp cận đất đai trong xếp hạng chỉ số PCI hằng năm của cả nước. Bên cạnh đó, không thể không kể đến nghịch lý là sức ỳ của một bộ phận không nhỏ đội ngũ công chức Thủ đô còn cao do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, mặc dù Hà Nội là trung tâm nhân lực chất lượng cao nhất của cả nước.
- Vậy theo ông, cần làm gì để tháo dỡ những rào cản này?
- Để khắc phục được tình trạng trên, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp khá đồng bộ và quyết liệt; trong đó có việc tiếp tục rà soát và hoàn thiện các quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN… Tuy nhiên, Hà Nội cần mạnh dạn hơn, chủ động và năng động hơn, tạo ra nhiều cơ chế, chính sách đột phá hơn, gương mẫu đi đầu cả nước về quản lý nhà nước cả về đô thị, doanh nghiệp và môi trường như nghị quyết của Đảng bộ, HĐND thành phố Hà Nội đã xác định. Đặc biệt, Thủ đô cần lựa chọn đúng và tạo cơ chế khuyến khích người tài, người có năng lực thực sự cống hiến hết mình cho Thủ đô. Đồng thời kiểm soát tốt hơn sự phân bổ hiệu quả các nguồn lực dựa trên sự công khai thông tin và giám sát xã hội, tăng cường dân chủ, trách nhiệm cá nhân và kỷ luật công vụ; kiểm soát chặt chẽ hơn các hiện tượng lạm dụng, thất thoát, lãng phí các nguồn lực, nhất là NSNN. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, có chất lượng cao, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kết hợp theo chiều rộng và chiều sâu, huy động tối đa các lực lượng kinh tế tư nhân và nước ngoài phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng bền vững, hiệu quả và vì con người.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
- Năm trước, sau khi bị tụt xếp hạng chỉ số PCI, lãnh đạo thành phố đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội. Vấn đề này được thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Ngay sau khi VCCI công bố kết quả chỉ số PCI năm 2012, thành phố Hà Nội đã nghiêm túc nhìn nhận đánh giá những ưu điểm, tồn tại, hạn chế. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu tất cả các sở, ngành đều phải thực hiện nghiêm chỉ thị của UBND thành phố về cải thiện chỉ số PCI. Trong đó tập trung vào dịch vụ hỗ trợ DN minh bạch và tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai, chỉ số tính năng động của chính quyền, chỉ số đào tạo lao động... nhằm hỗ trợ DN cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Công tác kiểm tra công vụ cũng được tổ chức thường xuyên, có chiều sâu, tập trung vào những bức xúc của người dân, tổ chức và DN.
- Ông đánh giá thế nào về quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc cải thiện chỉ số PCI?
- Tôi cho rằng, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thể hiện quyết tâm và tinh thần cầu thị cao, đáng tiếc là sự quán triệt và thực thi ở cấp trung gian còn chưa tương xứng. Với nhiều nỗ lực, dù kết quả PCI 2013 chưa được công bố nhưng quyết tâm của Hà Nội cũng đã phần nào cho thấy những tín hiệu khởi sắc đang diễn ra. Cộng đồng DN Hà Nội có thể hy vọng môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội sẽ ngày một thuận lợi hơn khi những tâm tư, nguyện vọng đã được những người có trách nhiệm và các ngành chức năng quan tâm giải quyết.
- Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua Hà Nội đã cụ thể hóa điều đó bằng những biện pháp gì và hiệu quả thu được ra sao, thưa ông?
- Trên cơ sở duy trì những chỉ số đã thực hiện tốt, khắc phục và cải thiện những chỉ số ở mức trung bình, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Thành phố đã ra quyết định họp định kỳ hằng tháng về PCI nhằm theo dõi sát sao hơn tình hình cải thiện môi trường kinh doanh để có những điều chỉnh phù hợp. Đối với chỉ số “chi phí không chính thức”, cùng với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, việc thanh tra công vụ sẽ được tăng cường, nhằm xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị và địa phương vi phạm, đặc biệt là đối với những hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và DN. Thành phố cũng đề ra những giải pháp tăng cường, khuyến khích tính năng động và tiên phong của các cấp chính quyền, sở, ngành; đặc biệt là việc đa dạng hóa các kênh đối thoại trực tiếp, những diễn đàn trao đổi giữa lãnh đạo thành phố với các DN, hiệp hội… qua đó xử lý kịp thời những vướng mắc, khó khăn của DN trong quá trình sản xuất kinh doanh.
- Theo ông, Hà Nội nên tập trung thu hút đầu tư theo hướng nào trong thời gian tới?
- Với mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô trong thời gian tới không chỉ nhanh, mà phải bền vững, Hà Nội cần khai thác, tận dụng tất cả các thế mạnh, nguồn lực đang có. Đồng thời, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Luật Thủ đô, các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch một cách có hiệu quả. Hà Nội cần tập trung mạnh hơn và thực chất hơn vào phát triển cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp hiện đại, có hàm lượng tri thức, khoa học công nghệ và chế biến cao; hình thành các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới, tạo nên khả năng cạnh tranh cao, trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước… Nghĩa là, muốn bứt phá thì hơn bao giờ hết, Hà Nội phải nỗ lực hướng tới việc phát triển các trụ cột kinh tế tri thức. Nhiều người đều mơ ước về sự ra đời và phổ biến ngày càng nhanh, nhiều, rộng rãi hơn những thương hiệu sản phẩm và công nghệ mang thương hiệu Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn ông về những vấn đề đã trao đổi!