Bài 3: Quan trọng là nâng cao y đức

Đời sống - Ngày đăng : 04:57, 10/11/2013

(HNM) - Giám đốc của một bệnh viện (BV) công lập tại Hà Nội chia sẻ: "Nếu đến thời điểm này, các BV của Hà Nội vẫn áp dụng mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh (DV KCB) cũ không những ảnh hưởng nhiều đến chất lượng KCB mà còn khó thu hút, "giữ chân" bác sĩ giỏi.



Vì vậy, điều chỉnh giá DV KCB đi kèm với tăng cơ cấu tiền lương cho cán bộ y tế thì người dân sẽ được hưởng cơ chế KCB tốt nhất". Thế nhưng, nạn phong bì, "lót tay" bác sĩ có thực sự bị triệt tiêu, chất lượng y tế, trách nhiệm của y, bác sĩ có được nâng lên?

Cách nào "giữ chân" y, bác sĩ giỏi

Chỉ trong hai năm qua, không ít BV trên địa bàn Thủ đô phải đối mặt với việc nhiều bác sĩ giỏi xin chuyển ra ngoài làm hoặc chuyển lên tuyến trung ương. Nguyên nhân của những cuộc ra đi không mong muốn này đều xuất phát từ mức thù lao thấp. Nhiều người trong số họ đã không ngần ngại cho rằng mức lương họ được hưởng không tương xứng với trình độ chuyên môn và vị trí công tác. Theo tìm hiểu của phóng viên, mức lương trung bình của một bác sĩ tại BV công lập chỉ khoảng 5-8 triệu đồng/tháng, trong khi cũng công việc như thế, ở BV ngoài công lập (NCL) được trả 30-60 triệu đồng/tháng. Không những trả lương cao, một số BV NCL dù đang trong quá trình xây dựng và phải tới 2-3 năm nữa mới đi vào hoạt động nhưng vẫn sẵn sàng trả lương hằng tháng cho các bác sĩ giỏi đang làm tại các BV công lập để lôi kéo họ về với mình.

Được biết, phần đa trong số bác sĩ xin thôi việc tại các BV công về "đầu quân" cho BV NCL là bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa I, thạc sĩ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn vững. Tình trạng "chảy máu" chất xám đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của các BV. Bởi trên thực tế, đội ngũ nhân lực tại các BV công hiện còn thiếu, nhất là bác sĩ có chuyên môn cao. Do đó, khi có bác sĩ thôi việc, các cơ sở y tế công lập lại càng thiếu nhân lực trầm trọng. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, do đặc thù ở Hà Nội có rất nhiều BV trung ương đóng trên địa bàn, nên các bác sĩ giỏi của thành phố cũng có nhiều cơ hội để về đầu quân tại BV trung ương. Ðó là chưa kể tới một lực lượng hút chất xám khá mạnh là các BV NCL, trong đó có cả những BV NCL lớn với chiến lược phát triển khoa học, mạnh mẽ và dài hạn. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu bác sĩ giỏi là lý do khiến ngành y tế Hà Nội chưa thể phát triển xứng tầm.

Dù chưa có chiến lược dài hơi cũng như những giải pháp mạnh để giữ chân bác sĩ giỏi, nhưng ngành y tế Hà Nội cũng đã nhìn thấy "tín hiệu" khả quan cho công tác này khi được áp giá DV KCB mới cách đây 3 tháng. Việc điều chỉnh giá các loại DV KCB đã tạo điều kiện để hệ thống các BV công lập giảm gánh nặng bù lỗ, đồng thời gián tiếp cải thiện thu nhập chính đáng cho đội ngũ y, bác sĩ trong BV công, duy trì và cải thiện điều kiện dịch vụ, trang thiết bị phục vụ điều trị, nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Quan trọng hơn, việc áp giá mới cũng giúp các BV công tăng tính cạnh tranh với các đơn vị y tế NCL, giữ chân được các y, bác sĩ giỏi - một vấn đề sống còn trong chiến lược nâng cao chất lượng KCB.

Trong nghề y, đạo đức là số một

Mục tiêu mà thành phố, ngành y tế Hà Nội đặt ra sau khi điều chỉnh giá DV KCB là Hà Nội sẽ phát triển y tế chuyên sâu, giảm quá tải BV, đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế, nâng cao chất lượng KCB, thái độ phục vụ người bệnh... Dù vậy, theo lãnh đạo nhiều BV Hà Nội, ngay cả khi áp dụng giá mới, chất lượng KCB cũng chỉ có thể dần dần nâng lên từng bước chứ không thể lập tức đáp ứng kỳ vọng của bệnh nhân. Giá DV KCB đợt này cũng mới chỉ được xây dựng theo cơ cấu giá của 3/7 cấu thành để hình thành giá dịch vụ kỹ thuật. 3 cấu thành này gồm: tiền điện, tiền nước, khử khuẩn; duy tu bảo dưỡng trang thiết bị y tế, tu bổ một phần nhỏ cơ sở hạ tầng BV; tiền thuốc, vật tư tiêu hao. Những cấu thành này mang lại lợi ích trực tiếp cho người bệnh. Còn lại 4 cấu thành khác là tiền công, tiền lương, tiền đào tạo, chuyển giao công nghệ, tiền khấu hao nhà cửa, trang thiết bị chưa điều chỉnh.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống các BV của thành phố như: Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Da liễu Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Việt Nam - Cu Ba… cũng tăng cường giáo dục y đức của cán bộ y tế, nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân, thái độ tiếp xúc với đồng nghiệp, người bệnh, đặc biệt là thực hiện phong trào "nói không với phong bì". Dù đã rất nỗ lực khi đưa ra những biện pháp để xử lý nạn "phong bì" nhưng đại diện lãnh đạo BV nội thành Hà Nội cũng thẳng thắn cho rằng, kể cả khi giá DV KCB tăng, cũng không thể triệt tiêu được nạn "phong bì", bởi tình trạng quá tải BV gần như trở thành căn bệnh trầm kha. Căn bệnh này không chỉ làm cho chất lượng KCB bị ảnh hưởng mà còn tạo cơ hội cho không ít bác sĩ thiếu y đức nhũng nhiễu, vòi tiền bệnh nhân. Mặt khác, tình trạng quá tải cũng khiến bệnh nhân nảy sinh tâm lý muốn được BV đáp ứng mọi nhu cầu một cách nhanh nhất nên tìm mọi cách gửi "phong bì" cho y, bác sĩ.

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, GS,TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, nhưng với ông, trong nghề y đạo đức là số một, vì đây là nghề chữa bệnh, cứu người. Chính vì vậy, trong quá trình đào tạo ở nhà trường, nên dành thời gian để sàng lọc, đưa ra khỏi ngành những người thầy thuốc tương lai thiếu đạo đức.

Thu Trang