Quyền em!
Mỗi ngày một chuyện - Ngày đăng : 04:47, 10/11/2013
Gặp cô nhân viên bưu điện khá niềm nở, ông đề nghị:
- Bác muốn gửi ít tiền vào Sài Gòn, thủ tục thế nào?
- Dạ. Bác viết tất cả các yêu cầu vào mẫu này. - Vừa nói cô vừa đưa cho ông tờ mẫu in sẵn và hướng dẫn cụ thể...
Chuyển tờ khai cho cô nhân viên, ông Nguyễn đếm đủ số tiền cần gửi đưa cho cô.
- Bác gửi bình thường hay chuyển phát nhanh ạ? - Cô nhân viên hỏi lại.
- Cho bác chuyển phát nhanh...
- Cháu gửi giấy báo đến nhà, hay bác chọn hình thức khác? - Cô nhân viên hỏi lại.
- Bưu điện có phương thức chuyển tiền đến tận nhà khách hàng thì tốt quá. Cho bác gửi theo cách này.
Cô nhân viên tính tiền, hỏi tên, địa chỉ, số điện thoại của cả người gửi, người nhận, để nhập vào máy và in ra 2 bản "Biên nhận gửi tiền" (mang số hiệu 103065232, có chữ ký của giao dịch viên) đưa cho ông một bản. Ngày 4-11 (sau 8 ngày), ông Nguyễn không nhận được hồi âm nên vội gọi điện hỏi thì mới biết, người thân của ông vẫn chưa hề nhận được gì dù chỉ là một dòng thông báo. Thế là, ông lại lóc cóc đạp xe từ quận Thanh Xuân ra tận Bờ Hồ để hỏi cho rõ chuyện. Rất may, ông lại gặp đúng cô nhân viên đã làm thủ tục gửi tiền cho mình. Cô hỏi ông đôi câu, rồi bốc máy gọi mấy địa chỉ, cho đến khi gặp được cán bộ của Bưu cục Tân Phong cô mới quay sang ông, nhẹ nhàng:
- Bác cho chúng cháu xin lỗi. Chiều nay bưu điện sẽ chuyển tiền đến tận nhà người thân của bác ạ.
Nghe câu chuyện của ông Nguyễn, Người Xây Dựng vừa chợt buồn cho cách làm việc của Chi cục Bưu điện Tân Phong TP Hồ Chí Minh, lại vừa cảm động về sự chân thành của cô nhân viên Bưu điện Trung tâm Hà Nội, để thêm một lần chia sẻ cho cái gọi là dịch vụ chuyển phát nhanh của ngành bưu điện, nên có thơ rằng:
Chuyển phát nhanh, chuyển phát nhanh
Nếu ai muốn chuyển, xin ghi danh vào
Bên A. xin lỗi… đã sao
Bên B. bận. Chuyển lúc nào, quyền em!