Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 11

Chính trị - Ngày đăng : 18:01, 09/11/2013

Sáng 9/11, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 11, thảo luận cho ý kiến Đề án “Về thực hiện việc quản lý công tác thi hành án”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp (Ảnh: Phạm Thanh)


Theo Tờ trình của Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về Đề án “Về thực hiện việc quản lý công tác thi hành án”, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ “chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý thống nhất công tác thi hành án”, đặt ra lộ trình thực hiện đến hết năm 2010. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương rất khác nhau. Nhiệm vụ này đến nay chưa được thực hiện.

Thực tiễn thi hành án từ năm 1993 đến nay, nhất là từ khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật tố tụng hành chính năm 2010 có hiệu lực thi hành, hoạt động thi hành án đã có nhiều tiến bộ, kết quả thi hành án ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, khắc phục được nhiều hạn chế.

Việc xây dựng Đề án là nhằm thực hiện Thông báo kết luận số 51-TB/TW (ngày 14/9/2011), Thông báo kết luận số 91-TB/TW (ngày 4/5/2012) và chủ trương tổng kết 08 năm việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đề án gồm 2 phần, Phần thứ nhất: Cơ sở xây dựng Đề án. Bao gồm các nội dung: sự cần thiết, mục đích, yêu cầu, quan điểm và quá trình xây dựng Đề án; thực trạng tổ chức, quản lý công tác thi hành án và những vấn đề đặt ra; cơ sở lý luận về công tác thi hành án; khái quát về quản lý công tác thi hành án của nhà nước ta từ năm 1945 đến nay; thông tin về tổ chức, quản lý thi hành án một số nước trên thế giới; công tác kiểm sát, giám sát thi hành án.

Phần thứ hai: Phương hướng, giải pháp đổi mới quản lý công tác thi hành án. Bao gồm các nội dung: mục tiêu, phương hướng đổi mới quản lý công tác thi hành án; những kiến nghị của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Kết luận về các nội dung: Cho dừng việc triển khai thực hiện nhiệm vụ “Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý thi hành án” được đề ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX vì điều kiện thực tế chưa cho phép. Khi có điều kiện thích hợp, sẽ chỉ đạo tiếp tục tổ chức nghiên cứu triển khai thực hiện.

Tiếp tục duy trì hệ thống tổ chức, quản lý thi hành án như mô hình hiện nay, đồng thời cho phép thực hiện đổi mới một số điểm trong tổ chức và hoạt động thi hành án, khắc phục những vướng mắc, bất cập và cụ thể hóa một số nhiệm vụ mới để mô hình thi hành án hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Cụ thể là: Xác định đúng vị trí, thẩm quyền và trách nhiệm của tòa án – cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án. Tòa án xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án dân sư, hành chính (hiện chỉ ra quyết định thi hành án dân sự) và chuyển giao cho cơ quan thi hành án thực hiện theo thẩm quyền. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của tòa án trong việc theo dõi, thống kê các bản án, quyết định đã được tòa án ra quyết định thi hành, gắn trách nhiệm của tòa án trong việc khắc phục kịp thời những sai sót trong các bản án, quyết định đã tuyên như giải thích, đính chính và kháng nghị.

Khẳng định vai trò của Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án. Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án dân sự và thi hành án hành chính; Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tư pháp trong việc quản lý công tác thi hành án trong quan đội nhân dân; kiện toàn tổ chức quản lý công tác thi hành án trong quân đội nhân dân theo hướng tập trung thống nhất vào một đầu mối, sắp xếp lại các trại giam để bảo đảm tính hiệu quả và tiết kiệm. Hàng năm Chính phủ báo cáo công tác thi hành án trước Quốc hội.

Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của UBND về tổ chức, quản lý công tác thi hành án trong phạm vi địa phương; tiếp tục nghiên cứu việc phân cấp cho UBND trong quản lý công tác thi hành án phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung các luật về thi hành án và các qui định liên quan sau khi Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung; UBND các cấp không can thiệp quá sâu vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm tính độc lập trong hoạt động thi hành án.

VKSND thực hiện việc kiểm sát đối với các hoạt động tư pháp trong thi hành án. Thanh tra Chính phủ có thẩm quyền thanh tra việc sử dụng ngân sách và bố trí, sử dụng cán bộ tại các cơ quan thi hành án, quản lý thi hành án theo thẩm quyền.

Đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo định hướng và lộ trình nêu trong Đề án

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến đều tập trung cho ý kiến về nội dung “Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý thi hành án”. Đại đa số ý kiến thống nhất với quan điểm của Đề án đề nghị Bộ Chính trị cho phép dừng việc thực hiện chủ trương giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý công tác thi hành án. Cũng có ý kiến nhất trí với quan điểm không tiếp tục thực hiện chủ trương giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án nhưng cho rằng không nên dừng hẳn mà tiếp tục nghiên cứu, khi tình hình thuận lợi sẽ triển khai thực hiện.

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh đây là một trong những việc Bộ Chính trị giao cho Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tham mưu, nội dung này đã được trao đổi nhiều lần. Chủ tịch nước nhất trí dừng việc thực hiện chủ trương giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý công tác thi hành án

Về phân cấp thi hành án ở địa phương, Chủ tịch nước đề nghị địa phương có vai trò phối hợp nhưng phải rõ ràng, cái gì phân cấp được cho địa phương nên phân cấp như: chính sách chế độ, bồi dưỡng, kiểm tra giám sát.../.

Theo Phạm Thanh