Trách nhiệm chính thuộc về cha mẹ
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:12, 09/11/2013
Hệ giá trị thay đổi
Hiện nay, thanh thiếu niên có cái nhìn khá cởi mở về tình dục trước hôn nhân. Xu hướng này thể hiện thông qua độ tuổi quan hệ tình dục của VTN đang giảm dần. Theo Điều tra quốc gia về VTN - thanh niên Việt Nam (SAVY 2), tuổi quan hệ tình dục lần đầu trung bình của thanh thiếu niên Việt Nam là 18,1 tuổi, giảm 1,5 tuổi so với điều tra trước đó. Cụ thể, có đến 2,37% trong tổng số 10.044 VTN được phỏng vấn trả lời, tình dục trước hôn nhân khi tự nguyện là chấp nhận được, 36% đồng ý khi cả hai có hiểu biết về hậu quả. Nhiều bạn trẻ quan niệm nam nữ bình đẳng và tình dục là nhu cầu cơ bản của mỗi cá nhân, do đó các em có lối sống khá "thoáng".
Tuy nhiên, theo thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Viện Gia đình và Giới, hiện nay tình trạng thiếu hiểu biết về khả năng có thai, thời gian thụ thai và phương pháp tránh thai ở VTN là rất đáng lo ngại. Kết quả chương trình "Sáng kiến sức khỏe sinh sản thanh thiếu niên Châu Á" (RHIYA) mới được công bố cho thấy, chỉ có 29,3% thanh niên trả lời đúng được câu hỏi liên quan đến sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, kiến thức về các biện pháp tránh thai của VTN chỉ ở mức độ trung bình. Thanh thiếu niên có thể nêu tên một số biện pháp tránh thai nhưng lại không biết cách sử dụng chúng. Trong điều tra của RHIYA, 73% thanh niên biết tên 2 biện pháp tránh thai hiện đại trở lên, còn lại 27% biết tên một biện pháp tránh thai hoặc không biết. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận các nguồn thông tin về sức khỏe sinh sản, nguồn cung cấp biện pháp tránh thai cho VTN còn hạn chế trong khi các chương trình về sức khỏe tình dục VTN chưa phát huy hiệu quả.
Theo kết quả điều tra về gia đình Việt Nam mới nhất, tỷ lệ VTN thành thị tâm sự những chuyện của tuổi mới lớn với bố là 0%, với mẹ là 15,2% trong khi với bạn bè là 58,3%. Trong một khảo sát về sức khỏe sinh sản trên 4.675 VTN của Bộ Y tế, chỉ 4% VTN trả lời là nhận được thông tin từ bố mẹ mình và 6,4% các em nói rằng bố mẹ đã trò chuyện về chủ đề dậy thì. |
Cha mẹ chưa là chỗ dựa
Ở Việt Nam, cha mẹ và gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp kiến thức, niềm tin, định hình thái độ sống và giá trị sống đối với trẻ nhỏ. Gia đình cũng là nơi cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, định hướng hành vi tình dục an toàn thông qua các chỉ dẫn hằng ngày cho lứa tuổi VTN. Thế nhưng, quan niệm về tình dục của các bậc phụ huynh và trẻ VTN, thanh niên hiện nay ở nước ta rất trái ngược. Trong khi VTN, thanh niên ngày càng có cái nhìn cởi mở thì quan điểm của các bậc phụ huynh lại khá khắt khe. Nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Linh Khiếu, chuyên gia nghiên cứu về gia đình và trẻ em cho thấy, có đến 96,1% phụ huynh được phỏng vấn trả lời rằng quan hệ tình dục ở tuổi VTN là không thể chấp nhận được. Như vậy, chính tư tưởng này sẽ trở thành rào cản lớn cho sự giao tiếp, chia sẻ về đời sống tình dục của trẻ VTN đối với bố mẹ. Bởi hầu hết các em sợ khi tâm sự sẽ bị bố mẹ điều tra, ngăn cấm và lên án. Trong khi đó, gia đình mới chính là môi trường gần gũi nhất với trẻ VTN. Ngoài việc nắm rõ tính cách của trẻ, bố mẹ còn có thể theo sát và phát hiện kịp thời nhất những thay đổi của trẻ để từ đó lựa chọn phương thức cung cấp kiến thức cho trẻ phù hợp nhất. Ví dụ như đối với VTN nữ, vai trò của người mẹ trong việc cung cấp hiểu biết về vệ sinh đường sinh sản, chu kì kinh nguyệt, hiện tượng rụng trứng - thụ thai, cách giữ mình trong mối quan hệ nam nữ là không thể thay thế. Tuy nhiên, hiện nay vai trò giáo dục sức khỏe sinh sản của gia đình đối với VTN vẫn còn nhiều hạn chế.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong khi đời sống tình dục ở trẻ VTN hiện nay có nhiều chuyển động mới, thì các em lại nhận được rất ít sự trợ giúp từ gia đình. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, nâng cao năng lực giáo dục sức khỏe sinh sản của các bậc cha mẹ trong gia đình là phương pháp hiệu quả nhất trong việc giảm thiểu tỷ lệ có thai ngoài mong muốn cũng như tỷ lệ NPT của VTN.