Dự án hỗ trợ cải cách hành chính giai đoạn 2009-2013: Rút ra nhiều kinh nghiệm quý
Đời sống - Ngày đăng : 07:06, 09/11/2013
Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể CCHC và kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa X) "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước". Dự án đã xác định 4 hợp phần, gồm: Quản lý tiến trình CCHC và tăng cường xây dựng chính sách; xây dựng và thí điểm áp dụng các mô hình cải cách dịch vụ công; cải cách chính quyền địa phương; tăng cường quan hệ đối tác và thông tin, truyền thông về CCHC. Từng hợp phần lại có các nội dung cụ thể, sát thực; trong đó, nhiều nội dung có ý nghĩa lâu dài với công tác CCHC.
Một trong những tiêu chí được dự án luôn coi trọng là sự độc lập, khách quan. Vì thế, trong các nội dung hoạt động, dự án đều thực hiện khảo sát nhiều đối tượng. Chẳng hạn, để hỗ trợ Bộ Nội vụ đánh giá kết quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010, ngoài báo cáo tổng kết đánh giá do Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) thực hiện, dự án đã huy động một công ty tư vấn trong nước để thực hiện báo cáo đánh giá độc lập thông qua tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng tại 6 bộ và 11 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Tương tự, để hỗ trợ xây dựng đề án "Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện CCHC giai đoạn 2011-2015", dự án đã cùng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) điều tra qua thư và thực địa tại 7 bộ và 21 tỉnh, thành phố trong cả nước về thực trạng và nhu cầu đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác CCHC. Trong tất cả các hoạt động, dự án đều tổ chức nhiều hội thảo tham vấn lấy ý kiến các chuyên gia, thống nhất về phương pháp và cách tiếp cận để lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Hiện các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện công tác CCHC, do đó, đều có thể học tập kinh nghiệm từ Dự án hỗ trợ CCHC nhằm đạt kết quả tốt nhất. Tại TP Hà Nội, nhiều đề án liên quan đến CCHC được giao cho các sở, ngành, quận, huyện xây dựng, triển khai, hiện vẫn còn một số đề án chưa hoàn thành, như: "Nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực y tế", "Xây dựng kế hoạch triển khai các phần mềm dùng chung như: Phần mềm quản lý công việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; phần mềm quản lý văn bản tại xã, phường, thị trấn; phần mềm quản lý dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu ở một số lĩnh vực quản lý nhà nước"; "Kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa phân cấp quản lý kinh tế - xã hội với phân cấp ngân sách về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức". Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang tiến hành xây dựng cơ cấu công chức gắn với vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh; một số đơn vị đang triển khai việc đánh giá cán bộ qua hiệu quả công việc hằng tháng và mời người dân chấm điểm cán bộ qua hệ thống điện tử… Có thể thấy, các nội dung mà TP Hà Nội đang triển khai nói riêng và các địa phương nói chung có nhiều nét khá tương đồng với các nội dung Dự án hỗ trợ CCHC đã thực hiện nên các đơn vị có thể tham khảo từ các phương pháp, nội dung mà dự án đã thực hiện thành công.
TS Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), Giám đốc Dự án hỗ trợ CCHC - UNDP giai đoạn 2009-2013: Thời gian tới, việc quản lý kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm cũng như kết quả đạt được của Dự án CCHC sẽ được tăng cường; đồng thời, việc chia sẻ các bài học kinh nghiệm và cách làm tốt nhất giữa các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, các địa phương là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu của công tác CCHC. |