Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Yêu cầu tự thân và cấp bách
Kinh tế - Ngày đăng : 06:28, 08/11/2013
Chưa theo kịp yêu cầu
Đến nay, sự phát triển của CNHT cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn chưa được như mong muốn, còn bộc lộ không ít hạn chế, tồn tại cần tháo gỡ. Các chuyên gia nhận xét, trong 20 năm qua, ngành CNHT chủ yếu phát triển tự phát, thiếu sự kết nối và định hướng chiến lược, chưa xác lập được những lĩnh vực trọng điểm để tập trung hỗ trợ cho phát triển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) chưa tìm bước đi lâu dài, phù hợp với tình hình, mục tiêu hội nhập quốc tế.
Sản phẩm của Công ty CP Kim khí Thăng Long đã khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Giang Sơn |
Cụ thể, trình độ công nghệ của đa số DN CNHT vẫn dừng lại ở mức trung bình, chỉ có 20% DN đạt trình độ ngang tầm khu vực. Hoạt động sản xuất vẫn chủ yếu nhằm vào sản phẩm có chất lượng và mức độ trung bình, tập trung vào việc gia công, lắp ráp theo đơn hàng của đối tác. Nhiều DN chưa thể đáp ứng nhu cầu cung cấp linh kiện, chi tiết để phục vụ các dây chuyền sản xuất tổng thành của DN nước ngoài. Phần lớn DN đang trong tình trạng lạc hậu, thiếu vốn và định hướng lâu dài, năng lực cạnh tranh hạn chế và có nguy cơ tụt hậu, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Nguồn nhân lực cũng chưa tương xứng với nhu cầu phát triển bền vững…
Dồn sức cho phát triển CNHT
Thời gian qua trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện một số DN CNHT đi đầu và thu được thành công trong sản xuất - kinh doanh như Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Công ty Nhựa Hà Nội, Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long… Những DN này đang hoạt động ổn định, có thương hiệu và luôn duy trì được thị phần, nhận được nhiều hợp đồng của đối tác trong và ngoài nước. Đây là những bài học cụ thể về tư duy nhạy bén, nhanh chóng chuyển đổi mô hình quản lý và chuyển đổi dây chuyền công nghệ.
Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu phát triển CNHT trong giai đoạn mới, UBND thành phố xác định sẽ tập trung các nguồn lực, nghiên cứu biện pháp để thúc đẩy ngành này trong thời gian tới. Từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển CNHT phục vụ 5 ngành gồm; dệt may, điện tử - tin học, da giày, cơ khí chế tạo và sản xuất lắp ráp ô tô. Rêng giai đoạn 2011-2015 sẽ hướng tới việc đáp ứng ngày càng tốt hơn về số lượng và chất lượng trong cung cấp linh kiện của các ngành trên, góp phần nâng cao giá trị gia tăng tính trên mỗi sản phẩm; đồng thời giảm mức nhập khẩu, sẽ tính đến khả năng tham gia xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội vốn có thế mạnh để phát triển CNHT vì có sẵn mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sự trưởng thành của đội ngũ doanh nhân. Thành phố xác định mục tiêu dồn sức cho phát triển CNHT với quyết tâm cao, vì vậy huy động và sử dụng tốt các nguồn lực là yêu cầu tự thân và cấp bách. Thành phố sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển đối với một số sản phẩm của ngành CNHT theo hướng đồng bộ, gồm: hỗ trợ xúc tiến thương mại; ứng dụng, triển khai tiến bộ khoa học, công nghệ; cung cấp thông tin thị trường; tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng…
Theo hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội, các DN thành viên đang có điều kiện tiếp cận việc vay vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện. Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng TMCP Tiên Phong cam kết dành 10 nghìn tỷ đồng cho DN thành viên của Hiệp hội vay từ năm 2013-2018. Các ngân hàng này cũng xem xét đến việc áp dụng chính sách ưu đãi một cách hợp lý. Đáng lưu ý là Hiệp hội sẽ tăng cường quan hệ đối tác với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc để thu hút đầu tư. Ông Phạm Ngọc Tùng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết, một số nhà đầu tư thuộc vùng Tokyo, Kobe và Osaka (Nhật Bản) đang sẵn sàng triển khai dự án ở Hà Nội, nhất là liên kết hợp tác hoặc đầu tư vào khu công nghiệp do DN thành viên của Hiệp hội làm chủ đầu tư. Hiệp hội sẽ tăng cường giao lưu, mở rộng quan hệ với DN các nước này theo hình thức liên kết và khả năng hợp tác đạt hiệu quả là trong tầm tay.
(HNM) - Tối 7-11, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) TP Hà Nội (Hansiba) đã ra mắt. Được thành lập theo Quyết định số 6014/QĐ-UBND của UBND thành phố, hiện Hiệp hội có khoảng 100 DN thành viên và sẽ kết nạp thêm nhiều đơn vị trong thời gian tới để mở rộng đội ngũ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế của Thủ đô. * Nhân dịp ra mắt, Hiệp hội đã ký kết văn bản hợp tác với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Hồng Sơn |