Tác giả kịch bản phim “Chạm tay vào nỗi nhớ” nín thở nghe phản hồi
Văn hóa - Ngày đăng : 06:13, 08/11/2013
- Từ một nhà văn trở thành một tác giả kịch bản phim truyền hình hẳn Hương có những thuận lợi nhất định, đặc biệt lại là ở một đề tài "tủ" như vậy?
- Đối với tôi viết tiểu thuyết hay kịch bản phim truyền hình đều là những thử thách vô cùng thú vị, bởi tôi chỉ là một người viết không chuyên. "Hoa bay" là tác phẩm đầu tay ở lĩnh vực tiểu thuyết và "Chạm tay vào nỗi nhớ" là tác phẩm đầu tay ở mảng kịch bản phim truyền hình. Cả hai đều có thuận lợi lớn là được viết từ những trải nghiệm của chính tôi trong quá trình học tập và công tác. Tuy nhiên, nói thực lòng, đối với cá nhân tôi, viết kịch bản mệt hơn tiểu thuyết rất nhiều. Trong tiểu thuyết, tôi có thể để cảm xúc tràn qua từng trang văn, thậm chí trải dài suốt câu chuyện, trình tự kể cũng tùy cảm hứng. Nhưng kịch bản thì phải ngắn gọn, súc tích đến từng từ, câu thoại… Tôi đã viết "Hoa bay" với 600 trang bản thảo trong 3 tháng, còn "Chạm tay vào nỗi nhớ" là gần 1.800 trang bản thảo trong 9 tháng. Đây thực sự là tác phẩm dài hơi và vất vả nhất tôi từng viết, giờ nghĩ lại vẫn toát mồ hôi.
- Hương tâm đắc điều gì nhất ở kịch bản đầu tay này? Ai là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến Hương trong việc hoàn thành kịch bản này?
- "Chạm tay vào nỗi nhớ" được lấy cảm hứng chủ yếu về cuộc sống, học tập và sinh hoạt của tôi cùng bạn bè trong thời gian rèn luyện tại Trường Trung cấp An ninh nhân dân I (nay là Trường Cao đẳng An ninh nhân dân). Sau đó là sự va vấp, trưởng thành của chúng tôi khi ra trường, tiếp xúc với công tác thực tế. Tuy nhiên, để phù hợp với bối cảnh và nội dung phim truyền hình, tôi đã tái hiện cuộc sống đó trong môi trường của Học viện cảnh sát. Hy vọng qua đây khán giả sẽ hiểu rõ hơn về SV trong lực lượng công an nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung. Bên cạnh sự trẻ trung, tinh nghịch, hiếu học, dám yêu, dám sống như SV các ngành khác thì họ còn phải trải qua một quá trình đào tạo, rèn luyện hết sức nghiêm khắc. Và chính môi trường đó đã gắn kết họ, khiến cho tình bạn, tình yêu, tình thầy trò và đồng chí, đồng đội đều có nét đặc trưng. Còn về người đã ảnh hưởng lớn đối với tôi trong xây dựng kịch bản này thì đó chính là đạo diễn Vũ Hồng Sơn. Tôi đã viết từng tập, từng tập dưới sự quan tâm, chỉ bảo rất tận tình của ông. Nhiều phân đoạn, nội dung hai chú cháu tranh luận tới từng chi tiết nhỏ để đạt được sự hấp dẫn.
- Hương có thấy hài lòng với cách chuyển tải của đạo diễn về câu chuyện của mình?
- Mặc dù không có mặt thường xuyên với đoàn làm phim song tôi và đạo diễn rất hay trao đổi về bộ phim. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là vì kịch bản mở rộng ra đề tài phá án hình sự nên có những phân cảnh không thể thực hiện được và buộc lòng đạo diễn cùng ê kíp phải tìm cách thay thế. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn hiểu và tôn trọng đoàn làm phim trong quá trình chuyển tải kịch bản này.
- Những dự định và công việc sắp tới liên quan đến văn chương, điện ảnh của Hương?
- Hiện tôi vẫn duy trì công việc sáng tác, trong đó tập truyện dài "Sảng Lim" trong dự án sách cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa vừa được NXB Kim Đồng phát hành tháng 11; bản thảo tiểu thuyết "Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn" cũng đã xây dựng xong để tham gia "Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký đề tài vì An ninh Tổ quốc năm 2012-2015". Còn công việc liên quan đến điện ảnh thì có lẽ phải nín thở xem "Chạm tay vào nỗi nhớ" được khán giả đón nhận thế nào đã…
- Xin cảm ơn và chúc bạn thành công!