Bài 1: Giải pháp ban đầu

Sức khỏe - Ngày đăng : 05:57, 08/11/2013

LTS: Đã qua ba tháng các bệnh viện công thuộc ngành y tế Hà Nội thực hiện áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới theo phê chuẩn của HĐND thành phố tại Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND, với mức áp dụng bằng 70-80% giá do Liên bộ Tài chính - Y tế xây dựng tại Thông tư liên tịch số 04.

LTS: Đã qua ba tháng các bệnh viện công thuộc ngành y tế Hà Nội thực hiện áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới theo phê chuẩn của HĐND thành phố tại Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND, với mức áp dụng bằng 70-80% giá do Liên bộ Tài chính - Y tế xây dựng tại Thông tư liên tịch số 04. Dù vậy, việc áp dụng mức giá mới này có ảnh hưởng tới việc chăm sóc sức khỏe người bệnh nghèo? Quan trọng hơn là nguồn tăng thu này có giúp ngành y tế Hà Nội gỡ được "nút thắt" trong lộ trình nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh?

Bài 1: Giải pháp ban đầu

Từ ngày 1-8-2013, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thuộc TP Hà Nội, bao gồm các bệnh viện (BV) đa khoa, chuyên khoa (trừ BV Hòe Nhai, BV Tim Hà Nội), các trung tâm chuyên khoa, BV đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, phường, thị trấn đồng loạt áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh (DV KCB) mới theo Nghị quyết số 13 của HĐND TP. Đó là bước đi đầu tiên trong hành trình nâng cao chất lượng KCB tại Hà Nội.

Khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ. Ảnh: Bá Hoạt


Kỹ lưỡng khâu triển khai

Nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng mọi khâu khi tiến hành thực hiện chủ trương điều chỉnh giá DV KCB mới, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu khoa học phát triển về cộng đồng tổ chức khảo sát ý kiến bệnh nhân và cộng đồng tại tất cả các BV về điều chỉnh giá DV KCB. Kết quả cho thấy, 80% số người được hỏi tỏ ý đồng thuận với chủ trương điều chỉnh giá DV KCB để cải thiện chất lượng KCB. Vì vậy, kế hoạch tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng KCB theo tinh thần Nghị quyết số 13 của HĐND TP ở các cơ sở y tế Hà Nội hiện nay chính là nâng cao chất lượng chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Yêu cầu cụ thể là hằng quý, các BV và đơn vị y tế tổ chức khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh, từ đó có kế hoạch cải thiện dịch vụ; đưa kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh vào nội dung giao ban chuyên môn của các khoa, phòng và đơn vị điều trị. Bên cạnh đó, tiêu chí thực hiện tốt quy tắc ứng xử của nhân viên y tế được đưa vào xem xét khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý và bình bầu thi đua khen thưởng... Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, yêu cầu đặt ra đối với tất cả các BV là phải tổ chức thêm quầy đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân, tăng cường bác sĩ để mỗi bàn khám bệnh có thể đón tiếp khoảng 50 lượt người/ngày; các phòng khám bảo đảm bố trí đủ ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho người bệnh.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị sắp xếp lại quy trình khám bệnh, bảo đảm dây chuyền phòng khám một chiều, thuận tiện, liên hoàn với các bộ phận xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng. Rà soát lại toàn bộ khâu nhân sự, bố trí cán bộ có tinh thần, thái độ tốt vào vị trí tiếp đón người bệnh và bộ phận tư vấn, giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến dịch vụ y tế; niêm yết công khai bảng giá mới, số điện thoại đường dây nóng, các quy định về y đức, quyền lợi, nghĩa vụ của người bệnh... tại mỗi phòng khám. Kết quả giám sát thực tế của Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP tại 10 BV và 4 đoàn kiểm tra của Sở Y tế tại hơn 20 cơ sở KCB trước và sau khi thực hiện Nghị quyết 13 cho thấy, chất lượng công tác KCB đã được nâng lên đáng kể, tinh thần, thái độ làm việc của nhân viên y tế được cải thiện.

Điều chỉnh giá: Mới là giải pháp ban đầu

Giá DV KCB điều chỉnh lần này mới chỉ tính đúng, tính đủ một số yếu tố chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ và cũng mới chỉ bằng 70%-80% mức giá do Liên bộ Tài chính, Y tế xây dựng tại Thông tư liên tịch số 04. Ở lần điều chỉnh này, Hà Nội mới áp dụng điều chỉnh giá ở 819 DV KCB theo từng hạng BV, còn lại 1.365 dịch vụ, kỹ thuật khác không điều chỉnh giá. Cụ thể, giá khám lâm sàng chung, chuyên khoa tại BV hạng I là 17 nghìn đồng/lần, hạng II - 12 nghìn đồng/lần, hạng III - 9 nghìn đồng/lần. Đối với khung giá một ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở) tại BV hạng I là 113 nghìn đồng, hạng II - 75 nghìn đồng, hạng III - 52 nghìn đồng...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho biết, việc điều chỉnh giá DV KCB nằm trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân nên không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của người bệnh nghèo. Hiện nay, người nghèo và người cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT, người nghèo là chi phí 100%, người cận nghèo là 70%. Theo Luật BHYT, khi KCB, người nghèo sẽ được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí. Nếu có thẻ BHYT, những đối tượng khác cũng được quỹ BHYT chi trả 80-95%, người dân chỉ phải chi trả 5-20%. Theo cách điều chỉnh giá mới, chỉ người không có thẻ BHYT là chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Hà Nội đã thực hiện việc điều chỉnh giá DV KCB theo đúng lộ trình, mức điều chỉnh ít ảnh hưởng đến đời sống của đại đa số người dân nên nhận được sự đồng tình của dư luận. Yêu cầu đặt ra sau điều chỉnh giá DV KCB đối với ngành y tế Hà Nội là đưa chất lượng KCB tăng lên tương xứng. "Không phải đợi đến khi thực hiện điều chỉnh giá các DV KCB thì ngành y tế Hà Nội mới tiến hành đổi mới, áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, mà công việc này đã được tiến hành thường xuyên trong những năm gần đây" - ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định. Tuy nhiên, việc đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hệ thống phát số tự động tại 20 cơ sở KCB nhằm giảm ùn tắc, rút ngắn thời gian xếp hàng của người bệnh cũng phải đến năm 2012 vừa qua, ngành mới có điều kiện thực hiện. Rồi việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, như đưa vào áp dụng phần mềm quản lý nội bộ, phần mềm kê đơn thuốc... không phải BV nào cũng đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện. Hay như mục tiêu giảm tải đối với một số BV đang phải đón tiếp từ 1.000 đến 1.500 người bệnh đến khám trong ngày cũng rất khó thực hiện, vì việc mở rộng BV nằm ngoài sự điều chỉnh của ngành. Giải pháp tạm thời mà các BV trên địa bàn Hà Nội đang áp dụng là tăng bàn khám, tăng các điểm hướng dẫn, thực hiện DV KCB...

*Bà Đào Thị Kim Huyền, Trưởng phòng Tài vụ, BV Đa khoa Đan Phượng: BV Đa khoa Đan Phượng là bệnh viện hạng II. Sau khi Hà Nội điều chỉnh giá DV KCB, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác KCB tại BV được tăng cường rõ rệt. Cụ thể, tại khu vực phòng khám và một số khoa điều trị, BV đã thay mới toàn bộ ghế ngồi phục vụ bệnh nhân, bố trí thêm bàn thanh toán viện phí, bàn tiếp đón bệnh nhân, giường bệnh, tủ thuốc, bổ sung thêm quạt điện, đèn chiếu sáng... Ngoài ra, tại khu vực phòng khám, BV bố trí 2 nhân viên trực hướng dẫn bệnh nhân khi đến khám bệnh. Việc điều chỉnh giá lần này đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng KCB tại BV.

*Ông Hoàng Trần Lương, Phó Giám đốc BV Đa khoa huyện Quốc Oai: Chúng tôi còn lúng túng vì một số DV KCB chưa có bảng giá, như: thủ thuật đặt sonde dạ dày, đẻ chỉ huy, đẻ khó băng huyết, tán sỏi niệu quản bằng tia laze và xét nghiệm máu đông… Chưa kể, có những danh mục kỹ thuật có hai mức giá khác nhau, như cùng là phẫu thuật thoát vị bẹn, ở phụ lục 6 có giá 700.000 đồng nhưng ở phụ lục 4 lại là 1.031.000 đồng… Ngoài ra, chúng tôi không thấy quy định về mức giá KCB ngoài giờ hành chính… Đề nghị Sở Y tế hướng dẫn cụ thể về những vướng mắc nêu trên để việc áp giá KCB được thực hiện thống nhất, tránh gây hiểu nhầm.

*Chị Nguyễn Thị Thùy, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn: Đầu tháng 10-2013, tôi khám ở BV Phụ sản Hà Nội. Bác sĩ chỉ định mổ, nhưng nếu mổ theo chế độ BHYT thì… về nhà đợi vì lịch mổ đã kín. Rồi bác sĩ "mở hướng", nếu mổ theo hình thức dịch vụ thì ngay hôm sau có thể thực hiện được. Nhà ở xa, lại bận việc nên tôi đành chấp nhận mổ dịch vụ… Tôi rất băn khoăn, không biết vì sao bệnh nhân BHYT phải chịu cảnh "lép vế"? Nếu không có quy định cụ thể, thiếu công khai, minh bạch thì người KCB bằng thẻ BHYT khó được bảo đảm quyền lợi.

Ban Bạn đọcthực hiện

Sa Chi