Canh cánh nỗi lo
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:51, 08/11/2013
Tuyến đê bao Hữu Bùi đang bị xuống cấp trầm trọng. |
Gồng mình đối phó
Nói về hai cơn bão vừa đổ bộ vào địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ nhận định: May cho vùng đất Hữu Bùi. Bởi chỉ cần mưa dài thêm một chút, lượng nước nhiều thêm một chút thì công sức của cả ngàn người sẽ đổ ra sông, ra bể. Ông kể, thời điểm đó (tháng 8-2013), cả tuyến đê bao này phải oằn mình chống chọi với sức tàn phá của thiên nhiên. Mưa xối xả, nước dâng nhanh, anh em lãnh đạo huyện như ngồi trên đống lửa. Cứ 5, 10 phút điện thoại lại réo. Các thôn, xã liên tục điện về báo tin mực nước còn cách mặt đê 10cm, 5cm, tràn đê. Lúc đó, quyết tâm giữ vững tuyến đê để bảo vệ toàn bộ hoa màu và hàng trăm héc ta lúa đang chuẩn bị gặt là yêu cầu số 1. Nhớ lại trận lũ năm 2008 đã cướp trắng hoa màu, ruộng đồng, nhấn chìm toàn bộ 110km2 của vùng Hữu Bùi, nhất là các xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú... trong biển nước gây thiệt hại lên tới 200 tỷ đồng. Giờ không thể để điều đó xảy ra. Nói mạnh vậy, giữ được tuyến đê là cả một cuộc vận lộn, đấu trí đấu lực trong từng thời khắc một.
Ông Nguyễn Huy Phong, Chủ tịch xã Nam Phương Tiến cho biết, cơn bão số 5, rồi số 6 đổ bộ vào, nước dâng cao tuyến đê Bùi 2, dài 3.500m từ thôn Yên Trình xã Hoàng Văn Thụ đến thôn Việt An, xã Tân Tiến, xung yếu xảy ra nhiều nơi. Lãnh đạo xã đã phải dùng loa, huy động toàn bộ nhân dân trong vùng, huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an tham gia chống lũ, hàng nghìn cây tre được trưng dụng cho chống bão... Ông Phong kể, lúc cao điểm, thông tin bão được hệ thống phát thanh của xã cập nhật liên tục. Cả xã được huy động mọi vật dụng trong gia đình để đưa ra giữ đê. Có đoạn, anh em đắp thân đê cao lên đến 5 hàng tải đất, cát. Trong bão lũ, khó khăn mới thấy quyết tâm và sự đồng lòng của người dân. Không ít người lấy cột lán trại của gia đình mình mang ra làm cọc giữ đê, thậm chí nhiều gia đình chấp nhận cho xã vay đất, lấy đất trong nền nhà, đóng vào bao tải đem ra đắp những đoạn đê xung yếu.
Bão qua, băn khoăn ở lại
Bão tan, tổng kết về kết quả phòng chống lụt bão, anh em cán bộ huyện, xã và người dân ở huyện Chương Mỹ đều phấn khởi. Mưa lũ mạnh, nước dâng nhanh ba tuyến đê bao Hữu Bùi không thể gắng gượng tưởng chừng có lúc phải buông xuôi tất cả. Vậy mà cơ bản không để xảy ra sự cố nào đáng tiếc. Duy nhất có đoạn 200m ở Trần Phú bị vỡ, nhưng sau 6 tiếng nỗ lực của người dân, bộ đội và chính quyền anh em đã hàn khẩu thành công, giữ được 400 héc ta lúa chuẩn bị gặt, 300 héc ta dồn điền thửa để làm trang trại nuôi thả cá, vịt, cây hoa màu của nhân dân.
Thế nhưng, điều mà lãnh đạo huyện băn khoăn là mùa mưa bão năm sau, liệu tuyến đê bao này có còn giữ được, bảo vệ mùa màng cho người dân hay không? Không ai dám chắc được điều đó. Với chiều dài hơn 11km, điểm bắt đầu từ thôn Trí Thủy, xã Thủy Xuân Tiên và điểm cuối là thôn Khuôn Duy, xã Mỹ Lương, đê Hữu Bùi được xây dựng cách đây hơn 40 năm, đắp bằng đất, mặt và thân đê nhiều năm không được tu bổ nâng cấp nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đê gồ ghề, lồi lõi, nhỏ và hẹp. Nhiều chỗ chiều rộng mặt cắt chỉ 1,5m đến 2m, xe cơ giới không thể đi vào được. Nhiều đoạn đê đi qua khu dân cư, nhân dân xây dựng nhà ở dọc hai bên nên mặt đê bị thu hẹp. Một số đoạn đê sát bờ sông do ảnh hưởng của dòng chủ lưu áp sát thúc vào bờ làm xói chân gây sạt lở nghiêm trọng. Thêm nữa, đê bao vùng Hữu Bùi gồm 10 xã, ngoài việc che chắn bão trong mùa mưa còn chịu tác động bởi những cơn lũ rừng từ Hòa Bình đổ về. Bởi vậy, vùng này cứ lượng mưa khoảng trên 200mm là xảy ra lũ. Nước từ nhánh sông Tích, sông Bùi, sông Đáy và trên thượng nguồn đổ về khiến nước sông dâng rất nhanh. Trao đổi với PV Báo Hànộimới ông Nguyễn Văn Doanh mong muốn được cấp kinh phí để cải tạo tuyến đê bao Hữu Bùi càng sớm càng tốt. Giờ sắp đến mùa khô, là thời điểm rất tốt để cải tạo lại những đoạn đê xung yếu.
"Tắc" vì chưa có kinh phí
Thực tế, ngày 28-10-2011, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng công trình tu bổ, nâng cấp đê bao Hữu Bùi, huyện Chương Mỹ. Theo đó, nội dung đầu tư là cứng hóa, mở rộng mặt đê Hữu Bùi với tổng chiều dài hơn 11km, nâng cấp tuyến đê bao vùng (đê chống lũ rừng ngang) chiều dài hơn 6,7km; kè bảo vệ những đoạn đê sạt lở gần 2,9km, xây dựng các công trình trên tuyến đê như cống tưới, cống tiêu, dốc lên đê... với tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 114 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án là hơn 1,5 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư lấy từ ngân sách thành phố và thời gian thực hiện: năm 2012 - 2016. Thực hiện quyết định của thành phố, ngày 22-10-2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán dự án này. Ngày 6-5-2013, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án này... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Doanh, đến nay kinh phí vẫn "tắc". Tại cuộc giao ban ở các xã, huyện, vấn đề này luôn được xới lên, đề cập. Người dân mong mỏi được cải tạo tuyến đê bao này. Đê có vững, người dân mới yên tâm tăng gia sản xuất, đầu tư vào ao chuồng, vườn tược.
Trước khi rời Chương Mỹ, thấy phóng viên chụp hình các bao cát đắp đê, ông Nguyễn Văn Tăng, 62 tuổi, ở thôn Hạnh Côn, xã Nam Phương Tiến, lại gần hỏi: "Sắp làm đê rồi hả các chú?". Hướng mắt ra con đường trên đê đang đầy những bao tải, đắp lên, rồi mặt đê lồi lõm, ông Tăng bảo: Người dân chúng tôi mong lắm, mong được Nhà nước sớm đầu tư cải tạo tuyến đê bao này. Nó sẽ giúp giao thông liên thôn, xã được thuận tiện bảo vệ mùa màng trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Có như vậy, người dân mới dám cấy 2 vụ lúa, mạnh dạn vay vốn dồn điền thửa để làm trang trại, tăng gia nuôi thả cá, vịt làm giàu cho gia đình, xã hội. Chúng tôi không dám trả lời ông Tăng câu hỏi trực tiếp đó, nhưng hy vọng, một ngày không xa, mong muốn của người dân địa phương nơi đây sẽ sớm thành hiện thực.