Chân lý và niềm tin

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:39, 08/11/2013

(HNM) - Thế là ông Nguyễn Thanh Chấn, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang đã được tạm đình chỉ thi hành án chung thân, về đoàn tụ với gia đình sau 10 năm… đi tù.



Các cơ quan chức năng đã lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm và cam kết làm rõ, xử lý vụ án đúng quy định của pháp luật. Có lỗi phải nhận, có sai phải sửa. Đó là lẽ thường! Những lời xin lỗi có thể phần nào làm nguôi ngoai ấm ức, nhưng đằng sau đó là nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Trụ cột gia đình rơi vào vòng lao lý, có thể dẫn tới rất nhiều hệ lụy cho gia đình, đặc biệt là những đứa trẻ đang tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới". Nếu oan sai, có bồi thường cũng chỉ phần nào về vật chất, tổn hại tinh thần sao có thể bồi hoàn?

Thiệt thòi của ông Chấn và gia đình đã rõ và không cần nói nhiều! Vấn đề đặt ra ở đây là khắc phục hậu quả, trả lại sự công bằng cho gia đình ông cũng như khẳng định niềm tin của người dân đối với pháp luật. Luật pháp sinh ra để điều chỉnh các hành vi xã hội và mỗi cá nhân đều phải tuân thủ nghiêm túc, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không thể tránh xảy ra sai sót và vụ việc của ông Chấn là một trong số đó. Dẫu buồn, đáng tiếc, nhưng các cơ quan chức năng đã thẳng thắn nhận lỗi và khẳng định sẽ điều tra, xem xét, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong vụ này. Điều này cũng được các đại biểu khẳng định tại diễn đàn Quốc hội, trả lại công bằng pháp luật, khẳng định niềm tin của nhân dân.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc ông Chấn kêu oan và kêu cứu là có, nhưng thông tin về thủ phạm lúc đó chưa có. Như vậy, có thể thấy, ngoại trừ sự tắc trách của một bộ phận tổ chức, cá nhân nào đó, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu, xem xét các tình huống kỹ lưỡng để hạn chế oan sai trong quá trình tố tụng. Khi có đơn kêu oan, kêu cứu, các cơ quan chức năng càng phải nghiên cứu kỹ lại tình tiết, khi có đủ cơ sở kết luận oan sai thì mới khẳng định lại để tránh sai chồng lên sai. Xử án vốn phải trọng chứng lý!

Vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn được trở về đoàn tụ với gia đình đã gây xôn xao dư luận và tốn không ít giấy mực của các cơ quan thông tấn, báo chí. Điều đó khẳng định, nhân dân vô cùng quan tâm tới việc thực thi luật pháp. Mỗi vụ việc xảy ra, thường thì tình cảm lấn át lý trí và mọi người đưa ra nhận định, đánh giá vấn đề theo góc nhìn chủ quan của chính mình. Âu cũng là bình thường vì có ai không ấm ức, đồng cảm với người bị oan, kẻ yếm thế. Nhưng, dưới góc nhìn khác, qua vụ Nguyễn Thanh Chấn có thể thấy các cơ quan hành pháp đã hết sức thẳng thắn, nghiêm túc trong việc tiếp thu, xử lý thiếu sót, sai phạm, giúp người dân vững tin vào pháp luật. Dù ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình đã trải qua không ít cay đắng, chịu nhiều mất mát, thiệt thòi nhưng rõ ràng chân lý đã được khẳng định, chứng minh!

Nguyễn Đức