Viện Kiểm sát không trốn tránh trách nhiệm trong vụ Nguyễn Thanh Chấn

Đời sống - Ngày đăng : 18:09, 07/11/2013

(HNMO) – Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định trước nghị trường Quốc hội, việc VKSND Tối cao đề nghị tái thẩm, thay vì giám đốc thẩm, trong vụ án liên quan đến Nguyễn Thanh Chấn không phải là để trốn tránh trách nhiệm.


Chiều 7/11, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình có giải trình trước Quốc hội về việc tăng cường công tác tư pháp, chống bỏ lọt tội phạm, chống oan soai, vô tội và đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Theo Viện trưởng, những ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ và tại hội trường về công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng, tư pháp… sẽ được tiếp thu, bổ sung vào các giải pháp hoạt động của ngành thời gian tới.

Về những giải pháp nâng cao hoạt động công tố, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và nâng cao chất lượng truy tố tại phiên tòa, Viện trưởng cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng và thực thi pháp luật quan tâm nhiều đến chống, oan, sai nhưng chống “lọt” thì còn hạn chế. Ngành đã có kế hoạch chu đáo để thực hiện nghị quyết của Quốc hội, đổi mới hệ thống chỉ tiêu của ngành với yêu cầu cao hơn, có chỉ thị về tăng cường kháng nghị, phúc thẩm; phối hợp với các bộ, ngành liên quan ra thông tư về giải quyết tin báo tội phạm...

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình


Về thi hành án tử hình, VKSND Tối cao cũng kiến nghị, do đòi hỏi cấp bách của tình hình, Quốc hội nên có nghị quyết cho phép tồn tại song song 2 hình thức thi hành án là tử hình bằng xử bắn và tiêm thuốc.

Về con số 69 vụ án tham nhũng trong các cơ quan tư pháp, Viện trưởng cho biết, đây là các vụ án tham nhũng và chức vụ, trong đó có cả tội thiếu trách nhiệm, lạm dung chức vụ quyền hạn… được phát hiện, khởi tố trong vòng 3 năm qua. Trong số này có 23 vụ hối lộ, riêng năm 2013 có 3 vụ/21 vụ đã khởi tố.

Đáng chú ý, về vụ án oan của Nguyễn Thanh Chấn, Viện trưởng cho biết thêm, thông tin rằng Viện kiểm sát kháng nghị tái thẩm với vụ án thay vì giám đốc thẩm là trốn tránh trách nhiệm, là không đúng. Theo Viện trưởng, hình thức tái hay giám đốc thẩm thì đều cho kết quả cuối cùng như nhau, chỉ khác nhau về điều kiện. Sở dĩ Viện kiểm sát đề nghị tái thẩm với vụ án này vì xuất hiện tình tiết mới mà tòa án không biết, làm thay đổi tính chất của vụ án (Lý Nguyễn Chung ra đầu thú).

“Việc tái thẩm không giúp các cá nhân, tập thể của ngành trốn tránh các sai phạm. Sau khi xử lý dứt điểm vụ án này, Viện kiểm sát sẽ nghiêm túc xử lý những tập thể, cá nhân của ngành liên quan có vi phạm”, Viện trưởng nói. 

Vân An