Tham nhũng: “Bắt chuột” không được làm hỏng "mâm cỗ"
Chính trị - Ngày đăng : 16:48, 07/11/2013
Về các vấn đề chung, các đại biểu cơ bản tán thành với các báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, công tác thi hành án năm 2013. Theo các đại biểu, các cơ quan tư pháp đã có nhiều cố gắng trong triển khai tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để tích cực điều tra, truy tố xét xử kịp thời, đúng pháp luật. Trong điều kiện nền kinh tế, đời sống, việc làm còn gặp nhiều khó khăn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được ổn định và đảm bảo, là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được rất cơ bản, trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý tội phạm năm 2013, các đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung, nhiệm vụ, những bất cập, khó khăn, hạn chế ảnh hưởng tới kết quả đấu tranh, xử lý tội phạm.
Đáng chú ý, cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng, các đại biểu cho rằng, công tác này chưa đạt yêu cầu đề ra và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa được đặt ở đúng vị trí.
“Chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ, chiến lược, chiến thuật bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu xong giặc nội xâm tham nhũng chưa bị xát thương là bao nhiêu. Quyết tâm chính trị đã có, chứng tỏ hiệu quả phòng, chống tham nhũng đang nằm ở khâu triển khai thực hiện. Cử tri cho rằng nợ xấu về tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng”, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) bày tỏ ý kiến của ông về công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo đại biểu Tiến, các cơ quan phòng, chống tham nhũng nên tập trung vào chiến dịch “bắt hổ”, với những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn những trận lớn chỉ để bắt “mèo nhỏ, chuột con”, có như thế mới nhanh chóng giải tỏa được tâm lý trong dân.
Điều khiến các đại biểu Quốc hội, trong đó có ông, còn băn khoăn là việc xử lý dường như mới dừng lại ở những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty, trong khi tập đoàn, tổng công ty không thể tự mình gây thất thoát tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, nhiều triệu USD nếu không có sự buông lỏng quản lý, sự tiếp tay, tiếp sức, tiếp mưu, đồng lõa, đồng phạm của một số cán bộ công chức các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương.
Đại biểu Tiến kiến nghị, bên cạnh các cơ quan điều tra hiện có, cần thành lập Cục Điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng với cơ chế đặc biệt được trao "thượng phương bảo kiếm", có quyền điều tra độc lập.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, “chống tham nhũng nếu chúng ta bức xúc quá thì cũng không được, phải hết sức bình tĩnh. Tham nhũng mình phải nói nó như con chuột, khi vào mâm cỗ thì phải lừa ra để bắt, chứ nếu chúng ta bực quá, chúng ta lấy búa đập nát con chuột tan tành ở mâm cỗ thì lại hỏng. Cho nên mình phải hết sức khôn ngoan, làm sao bắt được chuột mà giữ được mâm cỗ”. Theo ông, chống tham nhũng cần khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao, để có giải pháp làm cho tốt hơn.
Bàn về vấn đề trách nhiệm, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cũng lưu ý, không thể khoán trắng cho các cơ quan pháp luật công tác đấu tranh tội phạm, mà các ngành đều phải có trách nhiệm, nhất là các cơ quan nhà nước, các tổ chức và các doanh nghiệp.
“Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thành lập một cơ quan điều tra độc lập, nó như một tổng cục điều tra về án tham nhũng, chức vụ, người đứng đầu cơ quan này phải là một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và được đặt ở 7 khu vực, độc lập với các vùng địa phương, như 7 vùng thời tiết, và thẩm quyền chỉ điều tra những án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn và những án mà đối tượng phạm tội có liên quan thuộc diện tỉnh ủy quản lý trở lên, còn những án điều tra bình thường thì để cơ quan điều tra làm bình thường. Tôi cho rằng cần có đột phá như vậy thì mới có thể thay đổi được phương thức và cách đánh tội phạm tham nhũng, đi vào những lĩnh vực lớn, trọng điểm mà cử tri bức xúc, đòi hỏi nhiều năm”, đại biểu Đương nói.
Chung quan điểm với đại biểu Tiến, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cũng đánh giá, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong phòng, chống tham nhũng là một số cơ quan đơn vị và người đứng đầu chưa nêu cao được trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn bị buông lỏng; một bộ phận cán bộ công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, thiếu tu dưỡng rèn luyện giảm sút ý chí chiến đấu…
Đại biểu Huyền đề nghị, cần đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng; đề cao ý thức tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong việc xây dựng chính sách pháp luật; chú trọng cải cách thực chất, chế độ tiền lương; thực hiện chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức trong một số lĩnh vực đặc thù.
Từ góc độ phân tích trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, số cán bộ công chức sai phạm bị phát hiện và xử lý chưa nhiều, việc tự phát hiện cán bộ sai phạm của lãnh đạo, cơ quan, đơn vị không nhiều mà chủ yếu là qua phát hiện của báo chí, qua đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, qua công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng... Như vậy tức là vẫn còn tình trạng nể nang, bao che trong việc phát hiện, xem xét và xử lý cán bộ.
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ cán cân công lý chỉ được giữ nghiêm khi có được đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Điều này tùy thuộc rất lớn vào sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan tư pháp”, đại biểu Học nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng đề nghị, trách nhiệm người đứng đầu về phòng, chống tham nhũng, không chỉ nói chung chung. Cần phải làm rõ người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch, chương trình kiểm tra, thanh tra thường xuyên đã phát hiện xử lý hoặc đề nghị xử lý tham nhũng có hiệu quả tại đơn vị, địa phương mình phụ trách thì có công hay có tội? Hay người đứng đầu cơ quan, đơn vị địa phương thiếu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, để xảy ra tham nhũng bị phát hiện, bị xử lý, khởi tố bởi cá nhân và đơn vị khác thì trách nhiệm thế nào? Người đứng đầu trực tiếp và người đứng đầu cấp vĩ mô để đơn vị, tổ chức thuộc hệ thống xảy ra tham nhũng thì trách nhiệm trực tiếp đến đâu, trách nhiệm liên đới liên quan đến chủ trương, cơ chế, chính sách cấp vĩ mô dẫn đến tham nhũng thì trách nhiệm đến đâu, có liên quan gì không…
Chia sẻ với đại biểu Khá, đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, chống tham nhũng không thể chỉ bằng những câu nói hùng hồn mà cần những hành động thực tế, lôi được những kẻ tham nhũng ra ánh sáng và vinh danh những người tố giác tham nhũng, bảo vệ những người tố giác tham nhũng…. Cần sửa đổi các quy định của luật hiện hành về tham nhũng theo hướng tăng mức xử phạt, có thể tịch thu toàn bộ tài sản của con cái người tham nhũng.
“Chúng tôi thấy những gương Người tốt việc tốt mà chúng ta tôn vinh chủ yếu là các gương tài xế, tạp vụ, nhân viên ngân hàng nhặt được đồ rơi, tiền thừa trả lại cho khách, chưa có một tấm gương thực sự nào về đức thanh liêm, tức là đức độ của quan chức cấp cao. Các cơ sở đảng trong sạch vững mạnh cần phải có danh sách những đảng viên liêm khiết gắn với những việc làm, hành động cụ thể”, đại biểu Phước nói.