Hồ Gươm một vòng những ngày nóng nhất
Xã hội - Ngày đăng : 14:59, 26/06/2004
Cậu bé bán chanh bên hồ Gươm
Không chỉ có khách du lịch, người từ các tỉnh đến thăm quan, dân Hà Nội ngồi hóng mát mà còn có những người buôn bán nhỏ. Họ là những người già không có những ký ức lãng mạn về Hồ Gươm bởi cuộc sống vất vả quanh năm không cho phép họ nghĩ đến một cái gì khác. Họ là những người trẻ tứ xứ đổ về đây buôn bán đắp đổi qua ngày.
Bà già bán mận
Tôi ghé vào một lùm cây gần nhà vệ sinh công cộng ven hồ. Bà già với rổ mận, cóc để khuất sau bậc thềm ngay lập tức chào mời tôi: “Con ăn mận, cóc cho u đi con. Hàng của u quả nào cũn ngọt con ạ”. Nói rồi bà cầm con dao sắt đã bị mẻ lưỡi cắt một lát mận chín mọng, đỏ tía mời tôi. Bà già vừa khéo nói lại vừa chiều khách, nếu tôi ngồi thêm môt lúc nữa có lẽ sẽ mua mất một nửa rổ mận của bà. “U bán ở đây được 10 năm rồi, cứ mùa nào thức ấy. Mận của u ngon nhất bờ hồ. Nếu con muốn ăn mận ngon cứ phải hỏi u Bích và phải đến góc này". Tôi chợt mỉm cười trước sự khéo nói của bà già. Bà vừa bán hàng, vừa phải ngó nghiêng quan sát đội giữ trật tự Hồ Gươm, thấy có bóng họ là bà bê rổ mận đi ngay. Không biết cuộc đời bà đã đi bao nhiêu vòng hồ, nhưng có lẽ hình ảnh bà cùng rổ hoa quả đã quá quen thuộc ở chốn này. "Hôm nào đắt hàng, u bán được một yến mận con ạ. Con hỏi nhà u ở đâu a? Nhà u xa lắm. U năm nay hơn 70 tuổi nhưng vẫn phải đi bán hàng kiếm sống đó con".
Tôi chợt nhớ đến câu hát: "Hà Nội những năm hai nghìn, trẻ con không còn ăn xin. Cụ già ngồi trong công viên, ngắm bà già nhớ tuổi thanh niên". Có lẽ đó là hình dung lãng mạn của người nghệ sĩ trước năm chuyển giao thiên niên kỷ. Chứ năm 2004 này vẫn còn nhiều người già đi bán hàng rong. Bà già bán mận tôi gặp ven hồ có bao giờ rảnh rỗi để ngắm cảnh hồ?
Chàng thanh niên bán tò he
Trước cửa đền Ngọc Sơn lúc nào cũng có đôi ba hàng bán tò he. Ít ai biết họ là anh em và cùng xuất thân từ một làng nghề ở Hà Đông.Anh Kha sinh năm 1979 có thâm niên bán tò he ở Hồ Gươm được 6 năm. Trong năm anh có thể làm bất cứ nghề gì nhưng cứ đến đúng dịp hè anh lại ra Hồ Gươm bán tò he. Những chú tò he bằng bột nếp sặc sỡ của anh luôn hấp dẫn bọn trẻ. Kha kể hồi bé chỉ biết chơi tò he chứ không nghĩ sau này kiếm sống được bằng thú vui đó. Một ngày anh lãi được 70 nghìn đồng, thu nhập trong 3 tháng hè khá ổn định vì khách thăm quan Đền Ngọc Sơn lúc nào cũng có. Kha đi bán tò he vì thích và còn vì một mơ ước lớn hơn. Mấy năm trước có một bà chủ miền Nam ra thăm Hà Nội nhìn thấy hàng tò he của anh, bà liền ngỏ ý mời anh vào Sài Gòn học làm bánh ga tô. Ngay chiều hôm đó Kha "Nam tiến". Anh học được nghề làm bánh và ra Bắc nhưng mãi đến tận bây giờ vẫn chưa đủ vốn để tự mở một cửa hàng riêng. Kha tâm sự: "Bán tò he ở bờ hồ có đồng ra đồng vào nhưng dãi nắng dầm mưa suốt. Cũng định xuống Hải Phòng, hoặc vào Thanh Hóa mở hiệu bánh với vài người bà con nhưng chẳng có vốn nên đành thôi. Bây giờ vẫn phải bám Hồ Gươm kiếm sống đợi vài năm nữa đủ vốn".
Hai mẹ con đi bán sing-gum dạo bên Hồ Gươm
Một tay cầm túi kẹo cao su, một tay bế xốc đứa con nhỏ, thế mà 2 mẹ con cô cũng đi hết mấy vòng hồ buổi sáng. Cô gái tên là Lê Thị Hương, mới 19 tuổi, quê ở Thanh Hóa. Hai vợ chồng làm nông nghiệp không đủ ăn nên cô phải ra Hà Nội để bán kẹo kiếm thêm tiền. Đứa con mới được 9 tháng nhưng cũng theo mẹ đi bán hàng. Hai mẹ con đi rạc chân cả ngày mới kiếm được 20 nghìn đồng. Thuê nhà một tháng mất 200 ngàn đồng, hai mẹ con chỉ dám tiêu 10 nghìn đồng một ngày để còn để dành tiền gửi về quê. Khi tôi hỏi hai mẹ con ăn cơm trưa chưa, cô trả lời: "Em chỉ mua cháo cho cháu, còn em nhịn quen rồi. Ở nhà Thanh Hóa nhà em cũng không ăn trưa". Có lẽ cái tư duy "sống ở Hà Nội" khó lòng khiến tôi nghĩ đến người ta chỉ tiêu mất 10 nghìn đồng một ngày ở Thủ đô. Tôi tự hỏi người đàn ông nào lại lỡ để vợ con mình vất vưởng nơi đất khách quê người. Hương thành thật nói với tôi: "Ở quê đói quá nên mới phải ra đây chị à".
Nếu đi hết một vòng hồ, hỏi chuyện hết lượt có lẽ tay tôi sẽ nặng trĩu mận, sing-gum và chanh. Cậu bé bưng thúng chanh tôi gặp bên hồ tên là Nguyễn Thế Linh, 17 tuổi, nhưng trông nó chỉ bằng một đứa học sinh lớp 6 ở thành phố. Tranh thủ 3 tháng hè, sáng nào cậu cũng dậy sớm đáp xe buýt ra chợ Long Biên lấy chanh rồi đem ra bờ hồ bán dạo. Lãi được 20 nghìn đồng một ngày nhưng đến chiều muộn, thúng chanh 10 cân của cậu mới hết. Linh bảo: "Thỉnh thoảng em cũng bị bắt và nộp phạt vì tội bán hàng rong bên Hồ Gươm, cũng có lần bị nghiện trấn lột. Có hôm ế hàng quá lại còn gặp ông Tây "rau muống" cứ nằng nặc trả 1000 đồng 10 quả chanh". Linh nói rồi cười một nụ cười rắn rỏi…
Chiều muộn trên Hồ Gươm, tôi bắt gặp một người đàn ông đang vốc từng nắm vỏ ốc vất xuống hồ. Những người đi dạo nhìn ông ta bằng con mắt lạ lẫm. Họ không biết rằng đó là mồi để ông ta gọi cá đến. Bầy cá quen được cho ăn sẽ kéo đến đông hơn. Và tối, ông ta chỉ cần vác cần ra câu. Không phải ai ra Hồ Gươm cũng nhàn nhã như thế, có rất nhiều người vẫn phải bám vào cái hồ này để sinh sống, như bà già bán mận, anh thanh niên nặn tò he, thiếu phụ bán sing-gum và cậu bé bán chanh tôi gặp...
Bài, ảnh: Ngọc Diệp