Đánh giá CB, GV: Giải pháp then chốt để đổi mới giáo dục
Giáo dục - Ngày đăng : 06:36, 07/11/2013
Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Bảo Lâm |
Quá nhiều hình thức đánh giá?
Những năm vừa qua, Bộ GD-ĐT đã xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chuẩn của ba đối tượng trong nhà trường, gồm: Chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp GV các cấp học, trong đó quy định Chuẩn nghề nghiệp GV tiểu học được ban hành sớm nhất, cách đây 6 năm (theo Quyết định số 14/2007/QĐ - BGDĐT). Tuy vậy, việc hướng dẫn triển khai của Bộ GD-ĐT ở một vài cấp học còn chậm. Điển hình như ở cấp học mầm non, mặc dù quy định Chuẩn nghề nghiệp GV mầm non được ban hành từ năm 2008 song đến năm 2012 mới có văn bản hướng dẫn đánh giá, xếp loại.
Tại Hà Nội, việc triển khai đánh giá xếp loại CBQL, GV theo chuẩn được thực hiện mang tính chất thí điểm và theo từng cấp học. Thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy, năm học 2012 - 2013, toàn ngành có gần 40 nghìn CBQL, GV được đánh giá. Trong số này, có hơn 20 nghìn người xếp loại xuất sắc, hơn 17 nghìn người xếp loại khá, hơn 1.400 người xếp loại trung bình và 26 người xếp loại yếu, chưa đạt chuẩn. Qua những con số này, các cấp quản lý ngành giáo dục nhận rõ những lỗ hổng cần lấp đầy trong công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ. Theo kế hoạch, việc đánh giá, xếp loại được tiếp tục triển khai trong năm học này và áp dụng với 100% CBQL, GV toàn ngành. Tại hội nghị triển khai công tác đánh giá, xếp loại CBQL, GV tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Đây là cơ hội để toàn ngành "xốc" lại chất lượng đội ngũ, coi đây là giải pháp then chốt trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Qua phản ánh từ cơ sở, quá trình triển khai thí điểm đã cho thấy một số vấn đề cần tập trung giải quyết để việc đánh giá, xếp loại phát huy được tác dụng và hiệu quả hơn trong năm học này. Ông Ngô Trí Nam - Phó T rưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm dẫn chứng: Việc đánh giá, xếp loại CBQL, GV cần gắn với việc khen thưởng, biểu dương để khuyến khích sự phấn đấu, lan tỏa những điển hình tốt trong toàn ngành. Còn Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Xuân Ngữ đề xuất thành phố bổ sung kinh phí cho việc bồi dưỡng GV sau khi có kết quả xếp loại, bởi phần kinh phí chi thường xuyên của nhà trường không thể đảm đương được. Nếu không có kinh phí bồi dưỡng lại, việc đánh giá, xếp loại xong cũng "đành" để đấy. Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn khác được đề cập tại hội nghị như: Ngoài đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp hằng năm, CBQL, GV còn được đánh giá xếp loại theo các quy định khác như xếp loại công chức, viên chức; xếp loại đảng viên… Như vậy, cùng một đối tượng nhưng phải chịu nhiều hình thức đánh giá trong một năm có là quá nhiều?
Buộc thôi việc nếu xếp loại yếu hai năm liền
Nói về sự cần thiết của việc xếp loại, đánh giá CBQL, GV, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho rằng, muốn có "sản phẩm" đạt chuẩn thì các điều kiện tạo ra "sản phẩm" cũng phải đạt chuẩn. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải làm cho từng CBQL, GV mỗi nhà trường nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc đánh giá theo chuẩn. Đây là thước đo giúp CBQL, GV toàn ngành biết được đã làm được gì, phải làm gì, còn gì hạn chế, thiếu sót để có thể "tự soi", "tự sửa" hoàn thiện bản thân, đồng thời có ý thức thẳng thắn và trung thực trong việc nhận xét, đánh giá đồng nghiệp theo hướng cùng tiến bộ.
Một trong những yêu cầu được lãnh đạo ngành giáo dục nhấn mạnh với cơ sở trong quá trình triển khai đánh giá, xếp loại là phải bảo đảm yêu cầu 5 rõ: chính xác, khách quan, công khai, công bằng, dân chủ và đặc biệt là không gây không khí căng thẳng trong đơn vị. Việc đánh giá phải bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định, không nể nang, cào bằng, làm mất đoàn kết nội bộ. Sở GD-ĐT sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn các cấp học để hỗ trợ khâu đánh giá ở cơ sở, trong đó đặc biệt chú ý can thiệp những "ca khó" như đánh giá thủ trưởng đơn vị để bảo đảm "5 rõ" như mục tiêu.
Khâu hậu đánh giá cũng sẽ được đặc biệt coi trọng với các giải pháp mạnh, buộc mỗi CBQL, GV phải không ngừng cố gắng. Theo đó, kết quả đánh giá hằng năm sẽ là căn cứ quan trọng để cấp quản lý xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ theo từng nhiệm vụ, chức danh được phân công. Từ năm học này, những trường hợp xếp loại ở mức trung bình trở xuống sẽ phải đào tạo lại. Trường hợp xếp loại yếu trong hai năm liền sẽ bị buộc thôi việc. Kết quả đánh giá cũng là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng, triển khai quy hoạch, luân chuyển… đội ngũ cấp trưởng, cấp phó và GV trong từng đơn vị, từng địa bàn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và cải thiện chất lượng giáo dục.
- Thời điểm triển khai đánh giá, xếp loại CBQL, GV Hà Nội là tháng 5, thay vì tháng 3 như quy định của Bộ GD-ĐT để phù hợp với kế hoạch thời gian năm học và có cơ sở đánh giá phù hợp. - Những trường hợp cấp trưởng mới được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại trong thời gian 6 tháng (kể từ ngày triển khai đánh giá), khi xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nếu đã được đánh giá đầy đủ các bước theo Chuẩn hiệu trưởng thì được lấy kết quả đánh giá này để báo cáo mà không phải tổ chức đánh giá lại. |