Một thời không dễ nguôi quên

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:19, 07/11/2013

(HNM) - Chuyến bay mang số hiệu VN191 của Vietnam Airlines đã đưa chúng tôi, những cựu sinh viên tiếng Nga trở lại Liên Xô cũ sau 27 năm xa cách, vào thời điểm mùa thu vàng tuyệt vời nhất trong năm...

Chốn cũ là đây

Từ sân bay Domodedovo ở Moscow chúng tôi nối chuyến đi Minsk và về khách sạn lúc nửa đêm. Minsk, thủ đô của Belarus, nơi lưu giữ một thời tuổi trẻ của chúng tôi, hiện ra trước mắt thênh thang, tĩnh mịch và sạch sẽ.

Nhóm sinh viên Khoa Nga - Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội - về thăm trường xưa.



Ngày ấy, vào tháng 8 năm 1985, hơn 100 sinh viên khóa 17, Khoa Nga, Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, lên đường sang Minsk (thủ đô của Belarus) theo chương trình học chuyển tiếp năm thứ ba. Khi đó, Belarus còn là một trong 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết, bao gồm cả nước Nga vĩ đại.

Đến nước bạn khi tuổi còn đôi mươi, nay trở lại khi mái tóc đã điểm bạc, ai cũng xúc động, bồi hồi. Những kỷ niệm thời sinh viên tại thành phố này như đang dần sống lại trong tâm trí mỗi người. Hương, cô bạn trong đoàn, thổ lộ: 10 tháng ở Minsk là quãng thời gian ngắn ngủi nhưng đẹp nhất đối với cô. Tuổi 19, lòng "phơi phới dậy tương lai", cô tạm chia tay miền quê nghèo khó để tới một đất nước xa xôi, nhưng vô cùng tươi đẹp. Sang Minsk, cô như được đắm chìm trong cảnh sắc bốn mùa nơi hạ giới mà ngỡ như thiên đường...

Cuộc trò chuyện với cô hướng dẫn viên du lịch người Belarus trên đường về khách sạn khiến nhiều người buồn cười. Miệng chúng tôi cứ đơ ra mỗi khi phát âm tiếng Nga và thường xuyên bị lẫn sang tiếng Anh. Thì cũng phải thôi, từ ngày ra trường nhiều người trong chúng tôi có còn sử dụng tiếng Nga nữa đâu. Yêu quý nó là thế, học chuyên ngữ tận 5 năm là thế, vậy mà khi chúng tôi tốt nghiệp đại học năm 1988, Liên bang Xô Viết sắp sụp đổ và tiếng Nga ít người sử dụng. Phần đông sinh viên Khoa Nga quay ra học tiếng Anh, tiếng Pháp và các chuyên ngành khác để có thể kiếm được việc làm... Dù đã quên nhiều tiếng Nga, nhưng nước Nga và con người Nga vẫn luôn là nỗi nhớ trong tim mỗi người. Qua những trang sách tiếng Nga, những tác phẩm văn học nổi tiếng của các đại văn hào như Lev Tolstoy, Maxim Gorki, những áng thơ bất hủ của Puskin, Lermontov… và những ngày ở nước bạn, văn hóa Nga, tính cách Nga đã thấm đẫm vào tâm hồn các sinh viên Việt Nam.

Hai ngày ngắn ngủi ở Minsk là một kỷ niệm khó quên. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của cô giáo dạy văn Blai Svetlana Konstantinovna, chúng tôi may mắn được vào thăm Ký túc xá số 3, nhà 16, phố Artilleristov. Xe vừa dừng bánh trước sân, cả đoàn đã ùa xuống, reo lên vì sung sướng. Như đứa con trở về sau bao năm lưu lạc, tôi nhảy cẫng lên, rồi chạy khắp sân, hai tay vươn lên cành cây, mơn man những chiếc lá vàng, mắt lim dim, hít thở thật sâu để cảm nhận mùa thu đang về… Đã mấy mươi năm rồi mà khu ký túc xá hầu như không thay đổi. Vẫn hàng cây ven lối vào, đổ một màu vàng rực rỡ sắc thu. Vẫn là những căn phòng ấy, khu bếp ấy, cửa sổ nơi hành lang và nhà ăn sinh viên hồi ấy... Sự thay đổi, có chăng chỉ là đã từ lâu không còn sinh viên Việt Nam ở đây. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một vài cô cậu sinh viên người Belarus ra vào ký túc xá. Họ tò mò đưa ánh mắt nhìn và trầm trồ bàn tán khi biết chúng tôi đã từng ở đây và bây giờ quay lại thăm chốn cũ, cảnh xưa…

Người xưa là đây…

Thăm quan một lượt các tầng nhà, ký ức trong tôi cứ ùa về. Nhớ lắm những buổi đi chơi khuya, về ký túc xá phải rón rén vào lối cửa sau, rồi cười rinh rích với nhau. Có hôm, bà gác cổng (dáng người phục phịch) đi kiểm tra các phòng, thấy hai đứa con gái chúng tôi đang ôm nhau rủ rỉ trong chăn, bà trố mắt ngạc nhiên tưởng chúng tôi là đồng tính. Bà đâu hiểu rằng với người Việt, bạn gái thân thường hay "con chấy cắn đôi" như vậy.

Ngày đoàn sinh viên Việt Nam mới sang, Minsk đang vào mùa thu. Táo, lê, mận chi chít quả, rụng đầy trên đường tới trường. Lũ chúng tôi thường nhặt đầy túi quả mang về, để dành ăn dần, vừa ngon, vừa chả mất tiền mua. Có hôm, đang hái táo ven đường vì không có túi đựng, chúng tôi bảo nhau lật vạt áo lên rồi bỏ đầy táo vào trong, mặt mũi hớn hở… Bỗng đâu một chiếc ô tô đỗ xịch trước mặt. Hốt hoảng tưởng bị công an bắt vì hái trộm táo, chúng tôi đã toan bỏ chạy. Bác lái xe già thò đầu ra, nở nụ cười hiền hậu. Hóa ra bác muốn mời chúng tôi lên xe, bác chở đi chơi một vòng…

Rồi mùa đông đến, nhiệt độ có khi xuống tận -20 độ C, băng tuyết phủ trắng khắp nơi. Mặt đường đóng băng như đá trong tủ lạnh, chưa đi đã bị trượt chân... Và còn nhiều lắm những kỷ niệm thời sinh viên hồn nhiên và tinh nghịch cứ dần sống lại trong tâm trí.

Cô Blai Svetlana Konstantinovna cũng chính là người đã kết nối các thầy cô giáo cũ để chúng tôi có một buổi tối tuyệt vời bên nhau. Trong tiếng nhạc du dương bên bàn tiệc, mọi người cùng cụng ly, chúc mừng cuộc hội ngộ sau ngần ấy năm. Các thầy cô vẫn vậy - đẹp, đôn hậu và thân thiện, bây giờ vẫn vô cùng yêu quý lũ học trò bé nhỏ từ đất nước xa xôi và nghèo khó năm nào. Nụ cười trên môi, lệ rơi nơi khóe mắt, khi cùng ngồi với nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Thầy dạy thể chất Zvernik Igor, "hot boy" một thời, hiện là Giám đốc điều hành Liên đoàn Trượt băng trượt tuyết Belarus. Cô Khoreshko Svetlanna Nikolaevna tuy đã già nhưng vẫn giữ được những nét đẹp. Cô Alla Pedorovna làm hẳn một clip giới thiệu thành phố Minsk cho đoàn sinh viên Việt Nam. Cô đã khóc khi phát biểu cảm tưởng về tình thầy trò Nga - Việt và về những kỷ niệm với đám học trò nhỏ... Những bó hoa tươi thắm, những món quà trao nhau và những cái ôm hôn bịn rịn lúc chia tay sẽ mãi là kỷ niệm mà chúng tôi mang theo suốt cuộc đời.

Ngày về thăm giảng đường cũ, Trường Đại học Sư phạm Maxim Gorki trên phố Myasnikova, chúng tôi không khỏi bùi ngùi. 27 năm trôi qua mà khu học đường không khác xưa là mấy, chỉ xuống cấp và trông cũ hơn. Người ta cho phép chúng tôi vào một phòng học đẹp nhất để lấy lại cảm giác trên giảng đường năm xưa và chụp ảnh lưu niệm. Tôi còn nhớ, ngày gần về nước, tôi đã có bài phát biểu cảm động tại lễ chia tay. Dưới hội trường, ánh mắt ai cũng rưng rưng, đầy lưu luyến. Ai cũng biết rằng khi xa rồi, chúng tôi sẽ rất nhớ Minsk, nhớ trường, nhớ các thầy cô...

Hai ngày ở Minsk kết thúc chóng vánh. Chúng tôi bay về Saint Peterburg, thành phố cổ kính và xinh đẹp nhất nước Nga. Ở đây, chúng tôi nhập vào đoàn hơn 40 người, đều là hội viên của Facebook Khoa Nga Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Trong số đó có cả các giảng viên kỳ cựu đã sang Liên Xô nhiều lần và các cựu sinh viên chưa từng đặt chân đến Nga. Những ngày ở Saint Peterburg và Moscow, đoàn cựu sinh viên Việt Nam được thăm quan nhiều địa danh nổi tiếng như dòng sông Neva, Bảo tàng Hermitage, Cung điện Catherine, Pháo đài Peter & Paul, Quảng trường Đỏ, Điện Kremlin, phố cổ Arbat… Ngày gần về nước, các cựu sinh viên của trường hiện đang sống tại Moscow và Tula đã mở tiệc chiêu đãi. Trong buổi giao lưu hiếm hoi, thầy trò tay bắt, mặt mừng, rưng rưng cảm động.

Chia tay Moscow trong một chiều mưa buồn, chúng tôi thầm mong ước, sẽ có dịp được trở lại nơi này lần nữa.

Thu Trà