Nhu cầu vàng đã bão hòa?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:12, 07/11/2013
Trong phiên 1-11, số lượng vàng được đưa ra chỉ còn 15.000 lượng, số trúng thầu là 14.800 lượng. Trong phiên đấu thầu trước đó, số trúng thầu chỉ dừng lại ở mức khá khiêm tốn: 11.300 lượng.
Liệu nhu cầu vàng trong dân đã bão hòa?
Khách hàng giao dịch tại Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trí Minh |
Không còn tổ chức liên tiếp nhiều phiên một tuần, thời gian gần đây, NHNN đã giãn cách các phiên đấu thầu vàng đáng kể, với số lượng vàng đưa ra đấu thầu cũng ít hơn. Cụ thể, trong phiên thứ 67 (ngày 25-10), trong số 15.000 lượng vàng được đưa ra đấu thầu, có 11.300 lượng trúng thầu. Như vậy, số lượng vàng "ế" lớn hẳn so với những phiên trước đó. Mặc dù nhu cầu vàng trong dân không còn lớn, song NHNN tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu thứ 68, với mức vàng được đưa ra dừng lại ở 15.000 lượng, số lượng vàng trúng thầu đã nhiều hơn, đạt 14.800 lượng. Như vậy, tính từ phiên đầu tiên tổ chức ngày 28-3-2013 đến nay, NHNN đã tổ chức 68 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.696.300 lượng/1.807.000 lượng chào thầu, tương đương hơn 65 tấn vàng. Rõ ràng, đây là một lượng vàng khá lớn đã được cung ứng cho thị trường. Với các phiên đấu thầu vàng miếng gần đây không còn hấp dẫn như trước, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, một trong những nguyên nhân có thể là cung - cầu về vàng đã bão hòa. Để đánh giá chính xác hơn cần phải thêm một vài phiên nữa, bên cạnh đó, còn phải dựa vào giá vàng thế giới…
Thực tế, thời điểm giá vàng trong nước leo thang theo nhu cầu vàng tăng mạnh không chỉ do đòi hỏi từ phía người dân, mà chủ yếu là bởi các ngân hàng thương mại cần "gom" vàng cho kịp thời hạn tất toán theo quy định của NHNN. Sau khi các ngân hàng hoàn thành tất toán, nhu cầu vàng đã không còn cao như trước, giúp giá vàng trong nước ổn định hơn. Mặc dù khoảng cách giữa hai thị trường chưa được kéo xuống mức hợp lý là dưới 1 triệu đồng/lượng, nhưng hiện tượng liên thông mang tính tiêu cực giữa giá vàng trong nước và thế giới gần như được loại trừ. Giá vàng trong nước không còn biến động mạnh mỗi khi giá vàng thế giới chao đảo. Trước đó, có những thời điểm, giá vàng thế giới tăng khiến giá vàng trong nước biến động liên tục, thị trường vàng bị xáo động. Hệ lụy của tình trạng này chính là thị trường ngoại hối bị ảnh hưởng mạnh khi nhiều người lợi dụng để gom ngoại tệ nhập lậu vàng. Tuy nhiên, giá vàng ổn định trong một thời gian dài đã khiến những kẻ thu gom này không còn cơ hội, từ đó hạn chế sự liên thông giữa thị trường vàng và ngoại tệ. Ngay cả trong những thời điểm khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng cao, tỷ giá vẫn khá ổn định. Trước đó, theo tính toán của cơ quan chức năng, mỗi năm có vài chục tấn vàng được nhập lậu vào thị trường, tác động tiêu cực đến diễn biến tỷ giá và sự ổn định của thị trường ngoại tệ.
Cùng với sự ổn định của giá vàng và tỷ giá, tình trạng vàng hóa hay đô la hóa nền kinh tế đã giảm bớt. Không còn quá kỳ vọng vào giá vàng khi vàng khó mang lại lợi nhuận "khủng" cho giới đầu tư, bởi giá vàng không còn biến động quá nhanh trong thời gian ngắn, nhà đầu tư cũng tìm đến các kênh đầu tư khác. Hơn nữa, những tài sản cố định như nhà, đất đã không còn được ấn định bằng vàng mà quy đổi ra VND, cũng khiến vai trò của vàng bị mờ nhạt hơn. Thay vì chỉ mua vàng để tích trữ, nhiều người đã tìm đến bất động sản, chứng khoán, hay an toàn hơn là gửi tiết kiệm. Một yếu tố khác khiến vàng kém hấp dẫn chính là việc các ngân hàng không còn huy động vàng, nên nếu muốn tích trữ, ngoài việc cất giữ ở nhà, người dân sẽ phải mất phí để gửi tại ngân hàng. Đó là chưa kể giá vàng trong nước ổn định nhưng vẫn "chênh" so với thế giới vài triệu đồng/lượng, nên mua vàng thời điểm này vẫn nhiều rủi ro nếu giá vàng thế giới lại "rơi" hoặc giá vàng trong nước lùi xuống ngang với thế giới.