Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia: Rạn nứt nhưng không đổ vỡ

Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 06/11/2013

(HNM) - Chỉ vài giờ sau khi được bầu vào danh sách 10 thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Saudi Arabia đã đưa ra một quyết định chưa từng có trong lịch sử với tuyên bố từ chối vị trí mà các quốc gia trên thế giới đều mong muốn.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nỗ lực xoa dịu đồng minh Saudi Arabia trong cuộc gặp với người đồng cấp, Hoàng thân Saud Al-Faisal.



Trong khi nhiều cường quốc lấy làm lạ trước động thái khó hiểu của người khổng lồ dầu mỏ thì Riyadh lại tỏ ra cực kỳ quyết đoán với lựa chọn của mình. Lý do được đưa ra cho sự "chối bỏ quyền lực" này là HĐBA đã thất bại trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới như thảm họa nội chiến tại Syria, xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine… Thế nhưng, sự kiện gây ngạc nhiên không đóng lại mà đã hé mở những nghi vấn sâu xa, đặc biệt sau khi các quan chức Saudi Arabia có những phát biểu bóng gió về việc xem xét lại quan hệ với Mỹ. Bức màn sự thật đằng sau sự quay lưng với HĐBA đã dần được vén lên nhưng cũng đã phủ bóng đen lạnh lùng lên mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Washington và Riyadh.

Mặc dù trước đã bác bỏ tin đồn về sự rạn nứt của mối liên kết bền chặt giữa siêu cường số 1 thế giới và người anh cả của Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhưng chuyến thăm Saudi Arabia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã quá đủ để nói lên tất cả. Sau các cuộc gặp với người đồng cấp chủ nhà, Hoàng thân Saud Al-Faisal và Quốc vương Abdullah, ông J.Kerry có vẻ như đã hoàn thành trọng trách "lấy lòng bạn cũ". Những phát biểu từ cả hai phía khẳng định quan hệ Mỹ - Saudi Arabia mang tính chiến lược, bền vững khiến dư luận có thể tạm gạt bỏ nghi ngại về mối quan hệ đột ngột tụt dốc giữa hai đồng minh.

So với nhiều quốc gia trong khu vực, Saudi Arabia đã sớm có sự gắn kết với Mỹ và phát triển nó thành trục lợi ích vững chắc. Trong 70 năm đồng hành, cái bắt tay với Mỹ đã mang đến cho quốc gia Hồi giáo một nhà bảo trợ an ninh hùng mạnh. Ngược lại, Washington cũng tìm thấy ở Riyadh nguồn cung cấp dầu mỏ dồi dào và một căn cứ địa đắt giá nhằm duy trì, mở rộng vai trò tại mảnh đất vàng Trung Đông. Trái với mối quan hệ thường xuyên căng thẳng với nhiều quốc gia Arab hoặc tốt, xấu thất thường với một số đối tác gần gũi khác, Mỹ và Saudi Arabia đã trải qua tình bạn kéo dài 7 thập niên suôn sẻ và êm ả. Những khúc mắc quanh việc Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 dẫn đến việc khối Arab ngừng cung cấp dầu mỏ cho quốc gia này và các đồng minh phương Tây, hay thảm họa 11-9-2001 mà hầu hết những kẻ khủng bố đều mang quốc tịch quốc gia Hồi giáo đều được hóa giải không quá khó khăn. Căn bản là vì cả hai đều nhận thấy mâu thuẫn chưa đe dọa tới những bảo đảm chiến lược từ phía kia cho lợi ích quốc gia của mình. Song, căng thẳng mới nhất lại nằm ở phạm trù tương đối khác và ở mức độ khác.

Thoát khỏi chính sách ngoại giao kín đáo thường có, Riyadh đã thẳng thắn bày tỏ sự thất vọng với hành động mà họ cho là kém hiệu quả của Mỹ đối với cuộc chiến Syria, cuộc xung đột Israel - Palestine và đặc biệt là sự ấm lên trong quan hệ với Iran. Với thỏa thuận lịch sử Mỹ - Nga, những ủng hộ sốt sắng của quốc gia do người Sunni lãnh đạo về cả chính trị và tài chính cho cuộc chiến lật đổ chế độ của Tổng thống người Shiite của Syria - Bashar Al-Assad bỗng bị dừng lại vô thời hạn. Ngoài mối thù truyền kiếp giữa hai dòng Hồi giáo này, nỗi lo ngại hàng nghìn tay súng Sunni đang tham gia lực lượng nổi dậy tại Syria sẽ mang sự tức giận về quê hương một khi vấn đề Syria không được giải quyết rốt ráo đã làm Riyadh đứng ngồi không yên. Thêm nữa, cái chìa tay của Mỹ với Iran, chính thể theo dòng Shiite mà nhiều năm qua luôn trong tình trạng thù địch cao độ với quốc gia Vùng Vịnh đã thực sự đổ thêm dầu vào ngọn lửa bất mãn đang bùng cháy. Saudi Arabia cho rằng thái độ mềm mỏng của người bạn Mỹ sẽ chắp thêm cánh cho mối liên kết truyền thống giữa Syria - Iran và điều này hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của Riyadh.

Do vậy, việc thúc đẩy Hội nghị hòa bình về Syria Geneva-2 đã trở thành chủ đề quan trọng trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry đến Saudi Arabia. Quá trình giải quyết "dự án" khó khăn này cũng sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực thắt chặt lại quan hệ giữa Washington và Riyadh. Với sự thay đổi chiến thuật của Mỹ trong các vấn đề Trung Đông, sự sát cánh như từng có với Saudi Arabia chắc chắn sẽ có những thăng trầm. Có điều, vì có quá nhiều sự phụ thuộc lẫn nhau nên quan hệ giữa hai đối tác lâu năm khó có thể đổ vỡ.

Vân Khanh