Hà Nội và Đà Nẵng là các thành phố lớn dễ tìm việc nhất

Xã hội - Ngày đăng : 11:08, 05/11/2013

(HNMO) – Tại Báo cáo Thông số nhân lực trực tuyến quý 3/2013 do VietnamWorks vừa công bố, Hà Nội và Đà Nẵng vẫn duy trì là các thành phố lớn dễ tìm việc nhất.

Trong khi các ứng viên tại thành phố Hồ Chí Minh, gặp khó khăn hơn bởi có nhiều ứng viên cùng dự tuyển vào một vị trí. Kế đến là thành phố Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng về số lượng việc làm so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cho thấy nhu cầu tuyển dụng trực tuyến tại các thành phố lớn gia tăng rõ rệt so với cùng kỳ năm 2012, đặc biệt số lượng vị trí đăng tuyển tại tỉnh Bắc Ninh tăng vọt đến 46%.

"Bắc Ninh tiếp tục gây chú ý trong năm 2013 nhờ khả năng thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn tại tỉnh nhà. Gần đây nhất với sự kiện Nokia đổ vốn đầu tư mạnh, Bắc Ninh tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm mới, tập trung nhiều công ty công nghệ thông tin. Điều này dẫn đến việc gia tăng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất công nghệ cao", ông Jonah Levey, người Sáng lập và Chủ tịch hội đồng quản trị của VietnamWorks cho biết.


Ngành dịch vụ khách hàng tuyển đang nhiều nhân lực nhất.


“Thật thú vị khi có thể theo dõi các xu hướng việc làm tại một vùng địa lý phát triển như thế nào, các ngành nghề phụ trợ theo đó cũng nhanh chóng phát triển tiếp cận các dự án đầu tư lớn tại đây. Ngoài ra, rất nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng mạnh tại Bắc Ninh, nhất là các công ty Nhật Bản, như Canon, Nittan và Kyocera… là những ví dụ điển hình về sự mở rộng đầu tư liên tiếp của các công ty Nhật tại thị trường Việt Nam. Với nhu cầu tuyển dụng và sự phát triển ổn định, chế độ đãi ngộ và các chương trình đào tạo hấp dẫn, các công ty Nhật ngày càng tạo ra lực hút mạnh mẽ đối với đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, đặc biệt là những ứng viên có khả năng giao tiếp tiếng Nhật".

Nhìn chung, nhu cầu lao động trực tuyến tăng 15% trong quý 3 cùng với sự tăng trưởng ổn định trong 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy hoạt động tuyển dụng trực tuyến diễn ra rất mạnh trên khắp cả nước so với cùng kỳ năm 2012.

Xét về ngành nghề, dịch vụ khách hàng hiện đang có mức độ tăng trưởng về nhu cầu đăng tuyển nhiều nhất, tăng 38% trong quý này. Tiếp theo, nghề bán hàng và IT- phần mềm cũng có sự tăng trưởng đáng kể, với tỷ lệ tương ứng là 33% và 19%. Trong khi đó, nhu cầu lao động ngành du lịch, nhân sự và phi lợi nhuận sụt giảm đáng kể trong quý 3, lần lượt là 25%, 14% và 11%.

"Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mức cung-cầu lao động trong một số ngành nghề có xu hướng chậm lại. Trái với cách suy nghĩ phổ biến cho rằng việc tuyển dụng nhân sự sẽ chững lại; trên thực tế, đây lại chính là thời điểm các công ty đang tích cực tuyển dụng nhân sự giỏi nhất vào các vị trí chủ chốt để lèo lái doanh nghiệp vượt qua thử thách và phát triển vững mạnh hơn”, ông Levey chia sẻ.

Lan Hương