Cạnh tranh theo kiểu… phá hoại

Công nghệ - Ngày đăng : 06:33, 05/11/2013

(HNM) - Doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ internet

Nhân viên TH Cáp Việt Nam nâng cấp hệ thống hạ tầng truyền dẫn tín hiệu.


Gần đây, dư luận thông tin việc Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) bị cắt, phá cáp tại Khu công nghiệp Yên Phong (thuộc Bắc Ninh) khiến việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng bị gián đoạn. Đại diện các DN này cho biết đối tượng phá hoại rất chuyên nghiệp khi chỉ cắt phần cáp thông tin, không cắt đứt vỏ bên ngoài nên khó khăn cho việc tìm điểm bị cắt để khắc phục. Điều này cho thấy khả năng họ bị đối thủ chơi xấu để hạ thấp uy tín là rất cao.
Được biết, đây không phải là lần duy nhất FPT Telecom lên tiếng vì bị cắt, phá cáp. Trước đó, nhà cung cấp này bị kẻ xấu cắt, phá cáp tại nhiều địa phương từ miền Bắc cho đến miền Nam, thậm chí có những vụ phải đưa ra tòa và đối tượng xấu đã phải nhận án. Ngoài FPT, một số DN viễn thông lớn khác từng xảy ra chuyện bị cắt cáp, nhưng không hiểu sao đều "ngại" thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Không chỉ DN cung cấp dịch vụ internet mới xảy ra chuyện bị cắt, phá cáp, DN truyền hình cáp cũng lên tiếng về việc này. Hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) đã lên tiếng bị đối thủ chơi xấu khi đi chào mời thuê bao cũ của VTVCab tại quận Hoàng Mai chuyển sang dùng dịch vụ của mình nhưng không lắp đường dây đến nhà khách hàng mà sử dụng ngay cáp của VTVCab. Đơn vị này cũng tố bị cắt, phá nát cáp, bóp méo đầu dây ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội gây suy hao và mất tín hiệu, làm giảm uy tín của VTV với khách hàng.

Qua tìm hiểu, trừ một vài vụ cắt trộm cáp viễn thông là do đối tượng nghiện hút lấy trộm, phần lớn các vụ khác đều nghi ngờ là do bị đối thủ cạnh tranh chơi xấu. Thực tế, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã phạt tù đối tượng ăn cắp cáp FPT nhưng chưa có thông tin về việc xử lý các khiếu kiện từng được nghi là của đối thủ, dù có nhà cung cấp dịch vụ cho biết họ gửi đơn phản ánh đến cơ quan quản lý là Sở TT-TT, công an địa phương với đầy đủ bằng chứng. Từ đó có thể hiểu, tuy tố nhau, nhưng các DN lại có thương lượng, hoặc xử lý kiểu "dĩ hòa vi quý", không "vạch áo cho người xem lưng".

Trên nhiều diễn đàn, bạn đọc cả nước đã có những bình luận về việc các DN tố nhau cắt, phá cáp, chơi xấu nhau và khách hàng là người phải gánh chịu thiệt hại… Rõ ràng, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước là ngành TT-TT cần có sự phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp mạnh, xử lý triệt để hiện tượng nêu trên. 

Việt Nga