Bắt đầu từ… cơ chế

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:46, 05/11/2013

(HNM) - Sáng 4-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) cho rằng, luật mới chạm đến phần ngọn, chưa tới gốc nên tình trạng lãng phí thời gian qua, chưa có dấu hiệu được ngăn chặn và đẩy lùi.

Cụ thể, có ĐBQH dẫn ví dụ về công trình cảng nước sâu ngay từ khi chuẩn bị đầu tư đã có nhiều chuyên gia nêu ý kiến phản biện, cho rằng không hiệu quả, thế nhưng dự án vẫn được triển khai. Việc quy trách nhiệm cũng không được thực hiện và không biết quy cho ai. ĐBQH khác dẫn chứng lễ khởi công một công trình được chi tới 4,1 tỷ đồng (cao gấp 40 lần mức cho phép), như thế có là lãng phí? Một ĐBQH lại đưa ra ví dụ về một cuộc họp toàn quốc, triệu tập tới vài trăm người, nhưng khi có mặt các đại biểu mới biết cuộc họp đã bị hoãn. Tính ra chi phí đi lại và ăn nghỉ cho mỗi đại biểu tới trên dưới một chục triệu đồng (phụ thuộc vào khoảng cách với địa điểm tổ chức họp), vậy ai sẽ chịu trách nhiệm trong chuyện lãng phí này?

Đi sâu phân tích, có thể thấy việc thiếu cơ chế hoặc cơ chế chưa chuẩn cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến lãng phí. Lấy ví dụ, hiện nay việc ban hành các văn bản, quyết định đều có cá nhân đứng tên, nhưng khi xảy ra chuyện thì trách nhiệm lại thuộc về tập thể, tức là trách nhiệm là của chung và cuối cùng không có ai phải chịu. Do đó, hàng tỷ đồng ngân sách bị lãng phí nhưng không thể tìm ra "thủ phạm". Tương tự như vậy, từng cơ chế, chính sách đều do con người xây dựng. Nhưng nếu cơ chế, chính sách đó không hiệu quả, kém khả thi, thậm chí không thể thực hiện mà xã hội vẫn phải dồn nhân lực, vật lực vào chuyện đó, tức là có hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách phải đổ ra hoặc thất thoát… cũng khó có thể "điểm mặt, chỉ tên" cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.

Nói chung còn rất nhiều câu chuyện cụ thể về tình trạng lãng phí hiện nay. Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thực hiện cũng cho thấy nhiều bất cập tồn tại trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước: Sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vượt quá khả năng cân đối; khởi công dự án mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu… Tuy nhiên, theo các ĐBQH, vấn đề là ở chỗ chưa có cơ chế xử lý. Việc công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các quy định hiện hành còn chung chung. Chưa rõ phạm vi, nội dung, hình thức, biện pháp, thời gian, cách thức giám sát đối với từng đối tượng. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự chưa quy định về tội lãng phí nên không có căn cứ để thực hiện…

Như vậy, muốn Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) thực sự phát huy tác dụng trong đời sống thì chúng ta phải bắt đầu từ việc xây dựng cơ chế thực hiện luật này. Trong đó, càng cụ thể, càng rõ trách nhiệm của từng cá nhân, của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thì việc thực hiện càng hiệu quả. Điều đó sẽ thể hiện rõ nét nhất khi không còn những cơ chế, chính sách lãng phí được ban hành.

Hoàng Thu Vân