Bộ Y tế chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập

Xã hội - Ngày đăng : 16:11, 04/11/2013

(HNMO)- Sáng 4/11, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 điểm cầu  về “Tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập”.

Phó Thủ tướng Chính phủ; PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện các Cục, Vụ, ngành; cơ quan thông tấn báo chí.



Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ Y tế, các Bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Hội nghị này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường toàn diện công tác quản lý nhà nước về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y, dược tư nhân nói riêng và hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hướng phân cấp mạnh cho các Sở Y tế phối hợp các Sở, Ban ngành địa phương quản lý hoạt động này. Tăng cường quản lý người hành nghề thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với tất cả người hành nghề trong toàn quốc, sử dụng phần mềm tin học quản lý việc cấp chứng chỉ hành nghề để áp dụng trong toàn quốc. Ban hành văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện công khi hành nghề ngoài giờ phải báo cáo với giám đốc bệnh viện về phạm vi hoạt động chuyên môn và thời gian hành nghề.Ban hành thông tư về y đức và quy tắc ứng xử trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thiện để Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế nói chung và lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh tư nhân nói riêng.

Tăng cường công tác xây dựng phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và các quy chế chuyên môn đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Phổ biến và hướng dẫn thực hiện Thông tư số 35/2013/TT-BYT ngày 30/10/2013 về Quy định về thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành theo kế hoạch hoặc đột xuất để kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức nếu có sai phạm; Trong tháng 11/2013, 05 đoàn kiểm tracủa Bộ Y tế do các đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra việc quản lý các hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, hành nghề dược tư nhân, thẩm mỹ viện tại các tỉnh, thành phố. Cục Quản lý khám, chữa bệnh và các Sở Y tế trong toàn quốc công khai danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp và phạm vi hoạt động chuyên môn của những cơ sở này để người dân và xã hội tiện theo dõi, giám sát.

Thời gian qua, cùng với hệ thống y tế nhà nước, y dược tư nhân đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Hệ thống y tế tư nhân được nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển nhằm huy động sự đóng góp nguồn lực của xã hội cho công tác khám chữa bệnh, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã ứng dụng các kỹ thuật cao, cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận các dịch vụ khám chữa bệnh, qua đó góp phần giảm tải bệnh viện công lập.

Cả nước hiện có 157 bệnh viện tư nhân, (151 bệnh viện vốn đầu tư trong nước và 06 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài), hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế (trong đó 30 Phòng khám đa khoa, 87 nhà hộ sinh, số còn lại là phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế, 30 phòng khám có vốn đầu tư nước ngoài, 29 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có người nước ngoài tham gia khám bệnh, chữa bệnh). Tổng số có 249.852 người hành nghề y, trong đó 64.422 bác sĩ; 54.478 y sĩ; 88.019 điều dưỡng viên; 15.185 kỹ thuật viên; 27.529 hộ sinh; 219 lương y). Năm 2012, các bệnh viện tư nhân đã cấp cứu, khám, chữa bệnh cho khoảng 6,6 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có trên 2 triệu lượt khám thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện phẫu thuật cho khoảng 200.000 người bệnh và tham gia điều trị miễn, giảm viện phí cho khoảng 22.000 lượt người nghèo, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Để quản lý hành nghề y dược tư nhân, Bộ Y tế đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở y tế tư nhân hành nghề khám chữa bệnh. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra hành nghề cũng được tăng cường, theo kết quả của 58/70 đơn vị gửi về Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay đã tiến hành 442 đợt thanh tra hành chính, phát hiện 64 đơn vị có vị phạm và kiến nghị xử lý. Một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, lạm dụng cận lâm sàng, quảng cáo không đúng hoặc vượt quá phạm vi quy định. Một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quá coi trọng lợi nhuận, coi thường pháp luật, lợi dụng lòng tin của người dân đã quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn, không đúng với nội dung đã được xác nhận đăng ký, không niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết. Công tác quản lý nhà nước về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thiếu sự phối hợp giữa ngành y tế với chính quyền sở tại; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn; công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân đóng trên các địa bàn phường, xã, thị trấn chưa được thường xuyên do đội ngũ thanh tra vừa thiếu, vừa yếu.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân, thời gian tới Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt xác định trách nhiệm thực thi và giám sát việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật; phân định rõ trách nhiệm của các cán bộ y tế trong việc thực hiện y đức; thực hiện nghiêm việc quản lý cán bộ y tế đang làm trong các cơ sở y tế công lập tham gia hành nghề y dược tư nhân; kiện toàn và bổ sung cán bộ thanh tra y tế các cấp…

Trước mắt, từ nay đến hết năm 2013, Bộ Y tế sẽ thành lập 5 đoàn công tác tiến hành thanh kiểm tra các hoạt động hành nghề y dược tư nhân (phòng khám y tế tư nhân, phòng khám nha khoa, các cơ sở thẩm mỹ viện, nhà thuốc tư nhân). Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các cấp phường, xã và cấp quận huyện cũng tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý. Đồng thời, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có vi phạm pháp luật về hành nghề y dược để nhân dân biết và cùng theo dõi, giám sát. Tăng cường công tác truyền thông, cung cấp các thông tin cho nhân dân để người dân nêu cao cảnh giác, không sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh trái phép, hoặc hoạt động quá phạm vi chuyên môn cho phép.

T.Minh