Bưu điện - Văn hóa xã trên địa bàn Hà Nội: Cần tiếp thêm sức sống

Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 04/11/2013

(HNM) - Ra đời từ năm 1998, hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã (BĐVHX) là mô hình kết hợp cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản với việc phổ biến thông tin và đọc sách báo miễn phí cho người dân của ngành bưu điện Việt Nam.

Vắng khách là tình trạng thường xuyên của nhiều điểm BĐVHX ở các địa phương.



Thực trạng

Theo thống kê của Bưu điện Hà Nội, trên toàn thành phố có 378 điểm BĐVHX, trong đó có 27 điểm hiện đang tạm ngừng hoạt động. Cảnh vắng khách đang là thực trạng chung của các điểm BĐVHX này. Ghi nhận thực tế tại huyện Từ Liêm, phóng viên nhận thấy mặc dù đang giờ mở cửa nhưng tịnh chẳng thấy một bóng người lui tới. Cảnh vắng khách trên thực tế đã kéo dài trong nhiều năm nay rồi. Tại phần lớn các điểm BĐVHX, công việc hằng ngày của các nhân viên dường như chỉ đến để mở cửa, quét dọn vệ sinh, rồi ngồi chờ "giết thời gian" bằng cách đọc báo, làm việc vặt, đợi đến giờ đóng cửa.

Khi chúng tôi bước vào điểm BĐVHX Đại Mỗ (nằm trên đường 70 đoạn chạy qua xã Đại Mỗ, Từ Liêm), chị Nguyễn Thị Thắm thoáng ngạc nhiên tưởng có khách đến giao dịch. Khi biết phóng viên đến tìm hiểu hoạt động của điểm BĐVHX, chị Thắm nở nụ cười buồn rầu nói: "Bọn chị làm nhàn lắm. Ngồi chơi không cả ngày í mà. Có những tuần, có tới 3 ngày liền không thấy một người dân nào vào sử dụng dịch vụ. Thi thoảng lắm mới có người đến mua vài cái tem, gửi thư...". Đảm nhận công việc từ năm 2008, trong suốt quãng thời gian đó, chị Thắm bảo, chưa lần nào thấy cái điểm BĐVHX Đại Mỗ này tấp nập khách vào ra bao giờ. Lương thấp (650.000 đồng/tháng), song do được làm gần nhà, tiện về cơm nước, đón con nên chị vẫn trụ lại. Để cải thiện thu nhập, chị xoay ra làm đủ cách để kiếm tiền: Trồng rau để bán, lúc ngồi trực rỗi rãi nhận thêm công việc đóng tăm; cuối tháng đi thu tiền cước điện thoại… Nhìn quanh điểm BĐVHX này thấy mọi cái đều xuống cấp, hoen gỉ và cũ mèm. Thậm chí đến các tờ tạp chí, sách báo bày trong tủ; tờ poster dán thông báo cước dịch vụ trên tường cũng ố màu theo thời gian...

Duy trì cách nào?

Thực tế, không thể phủ nhận vai trò của các điểm BĐVHX trong giai đoạn đầu, đây là "địa chỉ đỏ" cung ứng các dịch vụ bưu chính, viễn thông; nơi người dân tiếp cận với thông tin tri thức, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp các thông tin về KHKT nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi… phục vụ phát triển KT-XH. Tuy nhiên, khi CNTT, viễn thông phát triển và có độ "phủ sóng" nhanh, sâu, rộng thì cũng là lúc hoạt động các điểm BĐVHX "yếu" dần. Sự sa sút này không phải ngày một ngày hai mà đã kéo dài vài năm nay khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có còn cần thiết để duy trì hoạt động của các điểm BĐVHX này? Và nếu quyết tâm duy trì thì cần có giải pháp nào để vực dậy để BĐVHX có thể sống khỏe, sống tốt?

Theo bà Trần Thị Mai Hạnh, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - Nghiệp vụ, Bưu điện Hà Nội, thì doanh thu trung bình của các điểm BĐVHX hiện chỉ đạt gần 500.000 đồng/tháng, song vẫn cần duy trì và phát triển vì theo Thông tư 17 ra ngày 2-8-2013 của Bộ TT-TT, điểm BĐVHX tiếp tục là điểm cung ứng dịch vụ công ích và các dịch vụ kinh doanh theo định hướng của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để tổ chức phục vụ đọc sách báo, tra cứu thông tin miễn phí phục vụ cộng đồng và là điểm tựa để các bộ, ban, ngành tiến hành thực hiện chương trình mục tiêu đưa thông tin về cơ sở và là một trong các tiêu chí về hạ tầng KT-XH để xây dựng nông thôn mới.

Để cải thiện chất lượng phục vụ của các điểm BĐVHX ngày 4-2-2013 Bộ VH-TT&DL và Bộ Thông tin - Truyền thông đã ra Chương trình số 430 về tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm BĐVHX giai đoạn 2013-2020. Ngày 14-6-2013, Sở VH-TT&DL và Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội đã có Kế hoạch liên ngành số 839 nhằm tăng cường đầu tư sách, báo, trang bị cơ sở vật chất tại các điểm BĐVHX trên địa bàn Hà Nội. Tìm giải pháp vực dậy hoạt động của các điểm BĐVHX, Bưu điện Hà Nội cho biết đã đưa ra một số kiến nghị với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam: quy hoạch lại toàn bộ hệ thống, nghiên cứu đưa thêm các dịch vụ mới tại điểm BĐVHX có khả năng phát triển kinh doanh; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nhân viên làm việc tại điểm BĐVHX; nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng được yêu cầu kinh doanh và phục vụ... Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương cũng cần hỗ trợ các nguồn lực cần thiết bảo đảm duy trì bền vững của điểm BĐVHX, xem đây là một trong những mô hình cung cấp thông tin, văn hóa hữu ích, tiết kiệm ở cơ sở.

Tiến hành một cuộc "cách mạng" đối với hoạt động ở các điểm BĐVHX thực sự là cần thiết và cần làm ngay. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, để mỗi điểm BĐVHX có thể "sống khỏe, sống tốt" chắc còn phải dài dài…

Bài, ảnh: Dạ Khánh