Trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông: Chuyện của người lớn

Giao thông - Ngày đăng : 06:35, 04/11/2013

(HNM) - Dù rất quyết tâm cải thiện tỷ lệ trẻ em đội mũ song không phải nơi nào, cơ quan, đơn vị nào cũng thực sự quan tâm.



Tuy nhiên, dù rất quyết tâm cải thiện tỷ lệ trẻ em đội mũ song không phải nơi nào, cơ quan, đơn vị nào cũng thực sự quan tâm. Nhiều cá nhân, gia đình vẫn đang coi đây là chuyện của người khác.

Người lớn cần cho trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Đức Minh


"Hai con gái tôi có mang mũ nhưng không đội. Tai nạn xảy ra, cả 2 cháu đi, tôi coi như đã mất hết. Chỉ xin được nói một điều với tất cả mọi người, dù mũ xấu, mũ đẹp thì cũng hãy cứ đội khi tham gia giao thông. Đừng ai để xảy ra như con tôi…" - Đó là lời nói đẫm nước mắt của chị Kim Lan (trú tại đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), một người mẹ đã mất cả hai đứa con trong một vụ TNGT mà người viết được gặp khi cùng các chuyên gia của Quỹ AIP và Ủy ban ATGT quốc gia đi thực hiện các chiến dịch tuyên truyền về đội MBH ở một số địa phương.

Chuyện của gia đình chị Kim Lan nói trên thực sự là một lời cảnh báo với những ai đang còn bàng quan với chuyện đội MBH nói chung và MBH cho trẻ em nói riêng. Thế nhưng, thực tiễn triển khai các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng tỷ lệ trẻ em đội MBH khi tham gia giao thông do Quỹ AIP phối hợp với Ban ATGT và Sở GD&ĐT các địa phương thời gian qua cho thấy, nhiều cơ quan, trường học và đông đảo phụ huynh, học sinh chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn hiểu không đúng về quy định này.

Ông Bùi Văn Trường, Giám đốc theo dõi và đánh giá chương trình (Quỹ AIP) cho biết, mới có 3 địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh quan tâm. Tại Hà Nội, tỷ lệ trẻ em đội MBH năm 2011 vào khoảng 9%, đến nay đã tăng lên 52,7%, cao nhất cả nước; Đà Nẵng tăng từ 27% năm 2011 lên 34,7% năm 2013; TP Hồ Chí Minh tăng từ 22,2% năm 2011 lên 48,6% vào năm 2013. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp so với yêu cầu. Qua khảo sát, có đến 2/3 số phụ huynh được hỏi có những hiểu biết chưa đúng về độ tuổi đội MBH, thậm chí nếu có đội thì cũng chỉ cốt để đối phó với lực lượng chức năng. Thậm chí, có phụ huynh cho rằng đội MBH quá sớm sẽ gây tổn thương đốt sống cổ của trẻ em.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong việc đội MBH cho trẻ em. Do đó, Sở đã có công văn chỉ đạo các trường tuyên truyền và nhắc nhở phụ huynh về vấn đề này ngay trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học. Sở cũng sẽ phối hợp với Quỹ AIP và các cơ quan liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền đội MBH tới các bậc phụ huynh; chỉ đạo các trường thường xuyên nhắc nhở, giáo dục ý thức đội MBH cho học sinh ngay từ bậc tiểu học để có những thế hệ trẻ em có thói quen đội MBH cũng như tham gia giao thông an toàn ngay từ khi còn nhỏ.

Rõ ràng, để tăng tỷ lệ trẻ em đội MBH khi tham gia giao thông, vai trò của nhà trường và gia đình rất quan trọng. Tuy nhiên, để mục tiêu này vào cuộc sống thì không thể chỉ vận động, tuyên truyền là đủ. Đơn cử như nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội chưa bố trí chỗ treo mũ bảo hiểm cho học sinh. Thực tế này dẫn đến tình trạng nhiều em học sinh, buổi sáng bố đưa đến trường thì có đội mũ, chiều mẹ rời công sở đến đón thì không có mũ để đội. Để giải quyết chỗ treo mũ cho học sinh, không có gì phức tạp. Người viết xin giới thiệu cách làm của cô Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tôn (huyện Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh): "Trên 95% học sinh trường tôi đội MBH khi tham gia giao thông. Để có chỗ cất mũ, chỉ cần đóng hai hàng móc (giống như móc treo quần áo) ở cuối lớp là đủ chỗ cho vài chục học sinh. Học sinh của tôi nếu không đội MBH sẽ được giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở. Các bậc phụ huynh phải ký cam kết thực hiện nghiêm quy định này. Không đội MBH sẽ là không giống ai. Chính các em học sinh phải là những tuyên truyền viên làm thay đổi quan niệm của phụ huynh…". Nếu như trường học nào cũng quan tâm, có những hành động cụ thể, hiệu quả như trên, chắc hẳn tỷ lệ học sinh đội MBH khi tham gia giao thông sẽ được cải thiện.

Tuấn Lương