Đích gần, đường xa
Du lịch - Ngày đăng : 06:29, 04/11/2013
Khách du lịch Nhật Bản tham quan mua sắm tại Hà Nội. Ảnh: Linh Ngọc |
Sức hút Việt Nam
Đánh giá về thị trường khách Nhật Bản, nhiều chuyên gia trong ngành du lịch có chung quan điểm cho rằng, du khách Nhật Bản có thời gian lưu trú dài và chi trả cao (trung bình 1.861 USD/khách), hơn hẳn khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ. Người Nhật thường thích đến những nơi có phong cảnh đẹp, các điểm di tích lịch sử - văn hóa có giá trị nghệ thuật, thích thủ công mỹ nghệ, những điểm đến có ưu thế về mua sắm đồ lưu niệm, thích tìm hiểu về văn hóa ẩm thực… Với Việt Nam, người Nhật Bản còn có biểu hiện đặc biệt gần gũi với văn hóa, thể hiện ở sự hào hứng đón nhận tính thân thiện của người dân bản địa. Bởi vậy, trong số các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách Nhật Bản.
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, lượng khách Nhật đến Việt Nam trong những năm gần đây có sự tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong giai đoạn 2003-2012, khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam tăng 2,75 lần, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 12%/năm. Riêng năm 2012, lượng khách Nhật Bản chiếm 9% tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2013, khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam đạt gần 500.000 khách, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng xác định Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường, hai nền văn hóa có nhiều nét tương đồng, quan hệ ngoại giao tốt đẹp chính là một trong những yếu tố thu hút du khách Nhật Bản đến Việt Nam. Khi đến Việt Nam, du khách Nhật rất có thiện cảm với đất nước, con người nơi đây. Ngược lại, họ cũng chứng tỏ mình là những du khách thân thiện và có trách nhiệm trong con mắt người Việt Nam. "Hiện nay, Việt Nam là một trong 5 thị trường du lịch được Nhật Bản ưu tiên. Vì vậy, ngành du lịch nước ta đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ đón 1 triệu khách Nhật. Con số này không lớn, nhưng để đạt được điều đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, thậm chí là yếu tố ngoài du lịch", ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Liệu có dễ đạt mục tiêu?
Nói về tính khả thi của mục tiêu đón 1 triệu khách Nhật, nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước tỏ ra thận trọng. Đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội chia sẻ: Vào thời điểm kinh tế khó khăn, người dân ở hầu hết các quốc gia đều hạn chế đi du lịch. Thêm vào đó, khách Nhật Bản vốn khá kỹ tính, đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao trong khi nguồn nhân lực, vật lực về du lịch ở nước ta còn nhiều hạn chế. Du khách Nhật muốn tìm hiểu Việt Nam, nhưng các yếu tố nói trên có thể cản trở, hoặc làm chậm lại quá trình thực hiện mục tiêu của ngành du lịch nước ta.
Tuy nhiên, sự khó không chỉ có vậy. Với nhiều năm kinh nghiệm, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế cho rằng, cái khó đầu tiên là việc thiếu hướng dẫn viên tiếng Nhật. Ở thời điểm hiện nay, hướng dẫn viên tiếng Nhật khá hiếm, muốn đáp ứng yêu cầu tiếp đón 1 triệu khách Nhật Bản/năm thì số lượng hướng dẫn viên phải tăng gấp 3 so với mức hiện tại. Trong khi đó, thời gian hướng tới mục tiêu nói trên chỉ còn 2 năm, thật khó để đào tạo một đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Nhật thành thạo nghiệp vụ. Điểm khó thứ hai là đường bay thẳng từ Nhật Bản đến Việt Nam còn quá ít và giá vé còn cao. Với tần suất bay như hiện nay, chắc chắn không đủ để đưa 1 triệu khách Nhật đến Việt Nam trong năm 2015.
Đại diện phía Tổng cục Du lịch Nhật Bản cho rằng, Thái Lan, Malaysia, Singapore... đều có văn phòng đại diện của cơ quan phụ trách du lịch quốc gia tại Nhật Bản. Họ thường xuyên tổ chức các chiến dịch quảng bá ở tầm quốc gia và lần nào làm cũng kèm giải pháp khuyến mãi, kích cầu... Việc quảng bá du lịch Việt Nam tại Nhật Bản chủ yếu do Hãng hàng không Vietnam Airlines đứng ra tổ chức, hoặc thông qua việc giới thiệu tour của một số công ty du lịch. Trong 15 thị trường có lượng khách Nhật Bản đến nhiều nhất trên thế giới, Việt Nam là nước duy nhất chưa có văn phòng đại diện du lịch tại Nhật Bản và đó được coi là nguyên nhân quan trọng khiến công tác xúc tiến du lịch Việt Nam đối với thị trường Nhật Bản chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo một chuyên gia lữ hành, để thực hiện mục tiêu đón 1 triệu khách du lịch Nhật Bản vào năm 2015, Việt Nam cần phải tính đến giải pháp tổng thể, bao gồm cả những vấn đề nằm ngoài tầm với của ngành du lịch. Chẳng hạn, ngoài sự hạn chế về chất lượng khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển, thái độ ứng xử từ phía cung cấp dịch vụ... cơ quan chức năng cần nhanh chóng có giải pháp cải thiện điều kiện môi trường - vốn là điều bị du khách Nhật phàn nàn nhiều nhất.
Xây dựng giải pháp, mục tiêu riêng cho một thị trường du lịch đã rõ tiềm năng là việc cần thiết, cái khó là để giải pháp phát huy hiệu quả trong thực tế. Với mục tiêu thu hút khách Nhật Bản, Việt Nam cần có giải pháp đặc biệt về xúc tiến du lịch cũng như cải thiện điều kiện dịch vụ…