Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thị xã Sơn Tây: Nhiều “nút thắt” khó gỡ
Đời sống - Ngày đăng : 06:24, 04/11/2013
Phải thừa nhận, lãnh đạo thị xã Sơn Tây khá quan tâm đến tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ để hoàn thành chỉ tiêu năm 2013 thành phố giao. Tuy nhiên, công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ của thị xã vẫn chưa được cải thiện, thậm chí đang bị đình trệ. Ông Chu Quang Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Sơn Tây cho biết, toàn thị xã đang tồn 7.920 thửa đất của hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, trong đó có tới 7.293 thửa bị vướng mắc do nguyên nhân liên quan đến thừa kế, tranh chấp đất đai; hồ sơ địa chính ở các xã, phường chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ nên việc xác định nguồn gốc, loại đất, thời điểm sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Việc xác định ranh giới đất ở với các loại đất khác trong cùng một thửa đất cũng rất phức tạp khiến nhiều hộ gia đình, cá nhân chưa muốn làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ...
Ảnh minh họa |
Theo bà Bùi Thị Minh Hiền, Giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ thị xã Sơn Tây, nhóm vướng mắc lớn nhất trong công tác cấp giấy QSDĐ liên quan đến thừa kế đất đai. Nhiều xã, phường có 90% số thửa đất còn lại chưa cấp sổ đỏ bị vướng mắc, đơn cử như các phường Trung Sơn Trầm có 77/148 thửa, Trung Hưng 227/477, Ngô Quyền 157/227, Lê Lợi 145/334...
Qua các cuộc họp, lãnh đạo và cơ quan chuyên môn của thị xã đã hướng dẫn chi tiết để chính quyền địa phương giải bài toán hóc búa này, nhưng trong quá trình triển khai vẫn lúng túng. Nhiều vướng mắc thuộc về phía nội bộ gia đình người dân, cơ quan chức năng không thể tháo gỡ được. Nhóm vướng mắc tiếp theo liên quan đến xác định hạn mức đất ở.
Trước đây, khi còn thuộc tỉnh Hà Tây, hạn mức đất ở đối với hộ gia đình thuộc cấp xã trên địa bàn thị xã tối đa không quá 300m2 và cấp phường 180m2. Sau khi hợp nhất về Hà Nội, theo quy định, hạn mức đất ở đối với hộ gia đình thuộc cấp phường giảm xuống chỉ còn 90m2, cấp xã là 240m2. Chính sự thay đổi này dẫn đến tâm lý chưa thông trong nhân dân. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, nhiều hộ gia đình có diện tích đất ông cha để lại tới 500-700m2, thậm chí vài nghìn mét vuông, nay để được cấp sổ đỏ phải nộp một khoản tiền khá lớn đối với diện tích vượt hạn mức, đã phản ứng gay gắt.
Cũng liên quan đến nghĩa vụ tài chính trong cấp giấy chứng nhận QSDĐ, tại khoản 5, Điều 42, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 24-4-2013 của UBND TP Hà Nội quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do UBND phường, xã, thị trấn, HTX nông nghiệp, thôn giao không đúng thẩm quyền, trường hợp sử dụng đất trước ngày 15-10-1993, thu tiền sử dụng đất bằng 50% theo giá đất ở do UBND TP Hà Nội quy định đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất ở mới xác định theo mức tối đa; thu bằng 100% theo giá đất ở phù hợp với giá chuyển nhượng QSDĐ thực tế trên thị trường tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đối với diện tích ngoài hạn mức giao đất ở mới xác định theo mức tối đa.
Trường hợp sử dụng đất từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004, thu tiền sử dụng đất bằng 100% theo giá đất ở do UBND thành phố quy định đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở mới xác định theo mức tối đa; đối với phần diện tích ngoài hạn mức giao đất ở mới xác định theo mức tối đa thu bằng 100% tiền sử dụng đất phù hợp với giá chuyển nhượng QSDĐ thực tế trên thị trường tại thời điểm cấp giấy chứng nhận. "Hiện nay, số lượng hộ gia đình được giao đất không đúng thẩm quyền khá nhiều, nếu phải nộp khoản tiền theo quy định trên là gánh nặng với nhân dân thị xã Sơn Tây" - Bà Hiền cho hay.
Ngoài những "nút thắt" trên, theo ông Chu Quang Dũng, trong công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn còn nhiều vướng mắc do tài liệu bản đồ phục vụ cấp giấy thiếu và cũ nát, thông tin không được cập nhật biến động nên thiếu căn cứ phục vụ cấp giấy. Đặc biệt là một bộ phận nhân dân không mặn mà với việc làm "sổ đỏ", đây thực sự là rào cản lớn khiến công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở thị xã không thể đẩy nhanh được tiến độ...
Do những khó khăn, vướng mắc trên nên từ đầu năm đến nay, Sơn Tây mới cấp được 338/1000 giấy chứng nhận, đạt 33,8% chỉ tiêu thành phố giao năm 2013. Theo nhận định của Phòng Tài nguyên - Môi trường, dù có cố gắng đến mức tối đa, Sơn Tây cũng chỉ hoàn thành được 50% chỉ tiêu thành phố giao trong năm nay...