Đáp ứng đủ nhu cầu, đúng đối tượng
Giáo dục - Ngày đăng : 06:21, 04/11/2013
Bà Phiến bộc bạch: "Là một hộ nghèo, hằng ngày gia đình còn lo chưa đủ ăn, nghĩ gì đến chuyện cho con đi học. Năm 2006, con trai đầu của tôi đỗ Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cháu đành phải nghỉ học giữa chừng, giờ đi làm công nhân, chưa có điều kiện học tiếp. Nay con thứ hai đỗ cao đẳng, nhờ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mà cháu mới được theo học. Phó Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Đỗ Thanh Hiền cho biết: Dư nợ chương trình cho vay HSSV hiện lên tới gần 900 tỷ đồng và từ nay đến cuối năm 2013, ngân hàng tiếp tục giải ngân hơn 50 tỷ đồng cho các đối tượng thụ hưởng; đồng thời, duy trì và thực hiện có hiệu quả nguồn vốn vay, tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Điều đáng nói là trong 2 năm trở lại đây, mặc dù một lượng lớn sinh viên ra trường không tìm được việc làm, hoặc có việc làm nhưng bấp bênh, song hầu hết các gia đình được vay vốn ưu đãi HSSV đều có ý thức trả nợ và có tới 30-40% số hộ trả nợ trước kỳ hạn. Chính vì vậy, vốn cho chương trình này khá dồi dào. Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Nguyễn Văn Lý khẳng định, ngân hàng đã chuẩn bị đủ vốn để bảo đảm tất cả HSSV đủ điều kiện đều được vay vốn đi học. Năm học 2013 - 2014 này, theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 19-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ, mức cho vay đã được tăng thêm 100.000 đồng/tháng/HSSV, tức là ở mức 11 triệu đồng/HSSV/năm. Dự kiến trong học kỳ I, lượng vốn tăng thêm khoảng 650 tỷ đồng và tổng số tiền cho vay trong học kỳ I vào khoảng 3.000 tỷ đồng, cả năm khoảng 5.500 tỷ đồng. Những năm trước, đến kỳ cho vay nào NHCSXH cũng chật vật về nguồn vốn, năm nay đã bảo đảm được nguồn vốn nhờ vào việc thu hồi vốn đến hạn của HSSV ra trường, đi làm. Khác với các chương trình tín dụng ưu đãi khác mà NHCSXH đang triển khai là theo kế hoạch "cứng", chương trình tín dụng HSSV lại quản lý theo "định tính", với mục tiêu "không để HSSV nào vì khó khăn tài chính mà phải nghỉ học", nghĩa là cứ đúng đối tượng, có nhu cầu là NHCSXH phải ưu tiên cho vay. Hiện toàn quốc có 203.000 tổ tiết kiệm và vay vốn, gần 11.000 điểm giao dịch tại xã, cùng các phòng giao dịch cấp huyện, chi nhánh cấp tỉnh, thành phố đã sẵn sàng phục vụ. Vào thời điểm nhập học, nhu cầu vay của HSSV cao, NHCSXH tăng phiên giao dịch tại xã để giảm chi phí đi lại cho nhân dân.
Theo kiến nghị của những hộ được vay vốn cũng như của các địa phương, mức cho vay cần được tăng thêm, bởi chi phí cho sinh viên nông thôn lên thành phố học tại một trường công cao hơn nhiều so với mức các em được vay và mức cho vay ít nhất phải bằng khoảng 50% tổng chi phí hằng tháng. Ngoài ra, một số gia đình ở nông thôn không thuộc diện nghèo nhưng có 2 con đi học đại học nên rất khó khăn, ngân hàng cũng nên tạo điều kiện cho họ được tiếp cận nguồn vốn này.
Sau 5 năm thực hiện chương trình cho vay HSSV đã có hơn 3 triệu lượt HSSV hoàn cảnh khó khăn được vay vốn NHCSXH để đi học. Tính đến thời điểm này đang có gần 1,8 triệu hộ gia đình vay vốn cho hơn 2,1 triệu HSSV đi học. |