Phòng chống thiên tai: Đầu tư hiệu quả để hạn chế hậu quả

Đời sống - Ngày đăng : 06:03, 04/11/2013

(HNM) - Với những tác động khó lường của biến đổi khí hậu, thiên tai đang có những xu hướng gia tăng bất thường, khó dự báo hơn và cực đoan hơn, làm xáo trộn cuộc sống của người dân, nhất là vùng nông thôn.



Thực tế này đòi hỏi các nước, nhất là khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, phải xây dựng chiến lược, đầu tư mạnh mẽ cho công tác phòng chống thiên tai, đồng thời có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong công cuộc ứng phó với thảm họa thiên nhiên.

Diễn tập phòng chống thiên tai khu vực ASEAN-2013 tại Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Chí


Thiên tai "cuốn trôi" hơn 1 tỷ USD

Thực tế cho thấy, những hiện tượng "bão chồng bão", "lũ chồng lũ", "siêu bão"... đã và đang trở nên quen thuộc với người dân ở nhiều vùng miền nước ta. Từ đầu năm đến nay đã có 12 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông; trong đó có 9 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, thiên tai năm 2013 có diễn biến phức tạp và bất thường, bão xuất hiện sớm và đáng lo ngại là nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình các năm có 9-10 cơn bão trên Biển Đông và 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta). Thống kê sơ bộ cho thấy, chưa tính cơn bão số 12, từ đầu năm đến nay, thiên tai, bão lũ đã làm 211 người chết và mất tích, gần 700 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại về vật chất ước tính gần 22.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD). Đáng lưu ý nhất là 2 cơn bão mạnh liên tiếp số 10 và số 11 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung gây mưa, lũ lớn, làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, chỉ riêng 2 cơn bão này đã gây thiệt hại về vật chất khoảng 18.625 tỷ đồng, trong đó bão số 10 thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng, nặng nhất ở tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Nghệ An. Ngoài ra, bão số 10 đã làm 17 người chết, mất tích, 209 người bị thương; gần 236.000 ngôi nhà bị sập đổ, ngập, hư hỏng... Bão số 11 làm 26 người chết và một người mất tích; gần 150.000 ngôi nhà bị ngập, sập đổ, cuốn trôi, hư hỏng... Trong khi chưa kịp hoàn hồn trước những bầm dập liên tiếp từ 2 cơn bão số 10 và số 11 thì người dân miền Trung lại nơm nớp lo lắng khi cơn bão mạnh số 12 đang có hướng di chuyển và khả năng đổ bộ vào đất liền nước ta trong một đến 2 ngày tới.

Bão số 11 tàn phá tại xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Đỗ Chí


Thách thức đối với Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất trong vùng sông Mekông. Tại Diễn đàn về giảm nhẹ rủi ro thiên tai vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã công bố con số thống kê trong 5 năm qua, thiệt hại về người do thiên tai giảm 8% so với 5 năm trước nhưng thiệt hại về kinh tế lại có xu hướng tăng lên. Thống kê của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, thiên tai làm chết và mất tích khoảng 9.500 người, thiệt hại về vật chất ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP mỗi năm (tương đương 1,9 - 2 tỷ USD). Như vậy, Việt Nam chiếm phần lớn trong tổng thiệt hại hơn 4 tỷ USD cho cơ sở vật chất do thiên tai gây ra ở các nước ASEAN.

Các chuyên gia khí tượng nhận định, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong 5 khu vực thường xảy ra bão của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu chỉ ra rằng, trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi thiên tai trên toàn cầu có Việt Nam. Đã nhiều lần, ở nhiều hội nghị, hội thảo người ta đã liên tục nhắc đến nguyên nhân nọ, bài học kia, nhưng rốt cuộc thiên tai vẫn cứ hoành hành và tàn phá không thương tiếc. Có nhiều ý kiến cho rằng, thiên tai cũng có một phần lớn nguyên nhân từ "nhân tai", đó là nạn khai thác khoáng sản vô tội vạ, phá rừng, khai thác cát trái phép trên các dòng sông diễn ra thường xuyên, liên tục; hàng trăm nhà máy thủy điện lớn nhỏ được xây dựng làm thay đổi môi trường sinh thái, "tiếp tay" cho lũ lụt, hạn hán... Thêm nữa là hệ thống đê sông, đê biển còn chưa vững vàng trước bão lũ, sóng biển; hệ thống cống đập thủy lợi còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yều cầu trong tình hình mới...

Thách thức đối với Việt Nam là phải điều chỉnh các cơ chế khẩn cấp mới và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của một quốc gia đang trong quá trình phát triển; phải chuẩn bị kỹ lưỡng những biện pháp ứng phó trước khi bão, lũ đổ bộ vào đất liền để tránh gây thiệt hại lớn. Tại đợt Diễn tập ứng phó thảm họa thiên tai ASEAN vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, những đợt thiên tai gần đây ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, vượt ra tầm kiểm soát của một quốc gia, đòi hỏi phải có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước, trước hết là trong cộng đồng ASEAN. Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thì từ khâu quy hoạch, xây dựng chiến lược, việc phòng chống thiên tai phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, đối với những vùng hay bị thiên tai như miền Trung thì việc ưu tiên chọn cây trồng, nhà ở dân cư phù hợp là điều tiên quyết để chống chịu được gió mạnh, mưa lụt... Thực tế này ở Việt Nam cho thấy, việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay vẫn dễ bị tổn thương và chưa có tính bền vững, quy hoạch các lĩnh vực kinh tế chưa có định hướng phù hợp với những tác động từ thiên nhiên. Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo Việt Nam cần quan tâm đến nâng cao ý thức cho cộng đồng, xây dựng cơ chế chính sách hoàn chỉnh và từng bước nâng cao năng lực thể chế. Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa công nghệ, trang thiết bị và cung cấp tài chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai với phương châm: "1 USD đầu tư cho phòng chống tương đương với 7 USD để khắc phục, phục hồi thiệt hại thiên tai".

(HNM) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, trong tháng 11-2013, trên Biển Đông vẫn còn có khả năng chịu ảnh hưởng từ một đến 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, tập trung hướng vào khu vực Trung bộ. Tháng 11 tiếp tục là mùa mưa ở khu vực Trung và Nam Trung bộ và còn có khả năng xảy ra 3-4 đợt mưa vừa, mưa to, cần chủ động đề phòng lũ lên nhanh trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất đá, nhất là tại các vùng núi nơi có địa hình dốc. Khu vực Bắc bộ, lượng mưa phổ biến tương đương trên trung bình nhiều năm (TBNN), với dung sai lượng mưa tháng cao hơn từ -20 đến 40%. Khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ dưới so với TBNN cùng thời kỳ, với dung sai lượng mưa tháng thấp hơn từ 20% đến 40%. Riêng khu vực bắc Tây Nguyên có khả năng lượng mưa dao động trong khoảng từ - 20% đến 20% so với TBNN cùng thời kỳ.

Chí Đạo

Chí Kiên