Đổi mới phương thức lãnh đạo của chi bộ đảng ở địa bàn dân cư: Đòi hỏi cấp thiết

Chính trị - Ngày đăng : 05:57, 04/11/2013

(HNM) - Đảng bộ TP Hà Nội có 5.638 chi bộ đảng ở địa bàn dân cư (tổ dân phố, thôn, làng), chiếm trên 65% tổng số các chi bộ tại 577 phường, xã, thị trấn.



Là cầu nối giữa Đảng và dân, trực tiếp lãnh đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở, hầu hết chi bộ ở địa bàn dân cư đã phát huy được vai trò lãnh đạo, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như sự chưa đồng bộ với các tổ chức chính trị - xã hội, năng lực của cấp ủy, cộng với khó khăn khách quan, ở một số chi bộ địa bàn dân cư còn bộc lộ bất cập, đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo.

Thiếu nguồn phát triển đảng viên?

Hằng năm, Đảng bộ TP Hà Nội đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kết nạp 10.000 đảng viên mới, tuy nhiên, việc phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư, trực tiếp sản xuất còn hạn chế. Khảo sát của phóng viên tại một số quận, huyện như Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Sóc Sơn, Mỹ Đức… cho thấy, nhiều chi bộ đảng ở địa bàn dân cư, tuổi trung bình của đảng viên lên tới 60-70, nhưng gặp khó trong phát triển đảng viên mới do thiếu nguồn.

Chi bộ thôn Đồng Chiêm, xã An Phú (Mỹ Đức) nằm trong số nêu trên khi 8 năm trở lại đây không kết nạp được đảng viên nào. Phó Bí thư Đảng ủy xã Bùi Trung Đông cho biết, kiểm điểm theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), Đảng ủy xã thừa nhận đây là một trong những hạn chế và phân công đảng ủy viên phụ trách, cùng cấp ủy chi bộ tìm cách tháo gỡ. Đảng ủy xã cũng đề nghị Huyện ủy tạo điều kiện mở một lớp đối tượng đảng cho xã, tuy nhiên cho đến nay tình hình chưa được cải thiện. Thiếu nguồn phát triển Đảng cũng là tình cảnh của Chi bộ tổ dân phố số 5, phường Khương Mai (Thanh Xuân). Đáng nói, Chi bộ 5, Đảng bộ xã Võng Xuyên (Phúc Thọ) có 3/4 số đảng viên trên 50 tuổi đời, mọi phong trào, hoạt động đều ở vị trí tốp đầu của xã, chỉ có điều 5 năm rồi chưa phát triển thêm được đảng viên nào. Cũng vì thiếu nguồn mà 2 năm qua Đảng bộ huyện Ứng Hòa không hoàn thành chỉ tiêu; năm 2011 chỉ kết nạp 180 đảng viên (đạt 81,8%), năm 2012 kết nạp 188 đảng viên (đạt 85,5%).

Theo Trưởng phòng Quận - Huyện - Thị, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Thân, công tác phát triển đảng viên đối với chi bộ cơ sở gặp khó khăn từ nhiều năm nay. Vì đối với các quận, hầu hết thanh niên đi làm ở các cơ quan hoặc đi làm xa. Với các huyện ngoại thành, số thanh niên làm kinh tế tại địa phương còn nhiều, nguồn có dồi dào hơn nhưng việc phát triển cũng không dễ. Thông thường, nguồn phát triển Đảng ở địa bàn dân cư hiện nay chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, nhưng không phải chỗ nào cũng thành lập được tổ chức đoàn. Theo khảo sát của Ban Tổ chức Thành ủy, tại các đảng bộ phường, thị trấn, có 3.804 chi bộ trực thuộc nhưng chỉ có 2.018 chi đoàn thanh niên; tại các xã có 4.841 chi bộ trực thuộc, nhưng mới có 3.235 chi đoàn thanh niên. Đơn cử như ở phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy), khu vực phía bắc đường Hoàng Quốc Việt chỉ 1/10 tổ dân phố có tổ chức đoàn thanh niên, hoạt động rất yếu nên việc tập hợp, tạo môi trường để thanh niên rèn luyện, phấn đấu là không có, chưa nói gì đến việc lựa chọn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng. Ngoài đoàn viên, thanh niên, đối tượng khác là hội viên tổ chức, đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân... cũng được cấp ủy chú ý nhưng đa phần là lớn tuổi, kém mặn mà với việc phấn đấu vào Đảng.

Cấp ủy ngại khó

Ngoài số chi bộ thực sự cạn nguồn thì không ít chi bộ dư khả năng phát triển đảng viên nhưng vẫn báo cáo là không có nguồn. Bí thư một đảng bộ phường ở quận Thanh Xuân đề nghị không nêu tên khẳng định rằng, một số bí thư chi bộ cơ sở thường báo cáo không có nguồn để tránh không phải "lao tâm khổ tứ". Vị này cho rằng: Phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư mất rất nhiều thời gian. Chi bộ phải họp bàn để tìm cách xây dựng nguồn, thường xuyên bồi dưỡng, quan tâm dìu dắt đối tượng, mấy năm có khi chưa kết nạp được. Trả lời câu hỏi vì sao nhiều năm chi bộ không kết nạp được đảng viên mới nào, một phó bí thư chi bộ tổ dân phố ở quận Cầu Giấy thành thật cho biết: "Nếu xem kỹ thì cũng có 2-3 người, nhưng công việc của chúng tôi quá nhiều nên đành báo cáo là không có nguồn". Trong khi đó, một số bí thư đảng bộ phường chia sẻ, vì các chỉ tiêu hằng năm cơ bản vẫn được hoàn thành nên không xác minh việc bí thư chi bộ cơ sở báo cáo có đúng hay không? Tại những phường này, cấp ủy tập trung phát triển đảng viên ở nhóm đối tượng công chức, viên chức, giáo viên… để bù đắp cho đối tượng ở địa bàn dân cư.

Ngoài ra, còn phải nói đến nguyên nhân nữa do chi bộ ở địa bàn dân cư chậm đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt, không phát huy được vai trò lãnh đạo, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, từ đó không tạo được sức hút đối với quần chúng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Thân, một số cấp ủy, chi bộ (nhất là khu vực nông thôn) chưa thực sự tạo điều kiện cho lớp trẻ, cá biệt còn biểu hiện khắt khe, nặng về dòng họ... nên một số quần chúng trẻ có trình độ, khả năng chưa được quan tâm bồi dưỡng kết nạp Đảng. Hơn nữa, công tác tuyên truyền, bồi dưỡng cho quần chúng tìm hiểu về Đảng của một số chi ủy còn hạn chế; việc phân công đảng viên giúp đỡ, bồi dưỡng quần chúng chưa thường xuyên… Tất cả yếu tố này khiến công tác phát triển đảng viên của chi bộ ở địa bàn dân cư còn gặp khó, không đạt chỉ tiêu và nếu tình trạng này không sớm được khắc phục chắc chắn dẫn tới thiếu đội ngũ đảng viên trẻ kế cận.

(Còn nữa)

Quốc Bình