Xây dựng lớp sinh viên Thủ đô giàu trí tuệ và khát vọng cống hiến

Chính trị - Ngày đăng : 06:46, 03/11/2013

(HNM) - Đại hội Hội Sinh viên thành phố Hà Nội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018 đặt ra mục tiêu xây dựng lớp sinh viên Thủ đô giàu lòng yêu nước; có bản lĩnh, ước mơ, khát vọng cống hiến, trí tuệ, sức khỏe, kỹ năng; làm chủ khoa học công nghệ, tham gia dựng xây Thủ đô và đất nước.



Vậy phải làm gì để những mục tiêu đó trở thành hiện thực? PV Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngà về nội dung này.

- Nhiệm kỳ 2013-2018, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội chọn hai khâu đột phá làm “đòn bẩy” để phát triển phong trào, hoạt động của sinh viên Thủ đô. Chị có thể cho biết rõ hơn về hai khâu đột phá?

- Đó là xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật của sinh viên Thủ đô và đổi mới phương thức hoạt động Hội.

Thế hệ sinh viên văn minh, thanh lịch sẽ góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: Nhật Nam


- Hội Sinh viên thành phố sẽ thực hiện hai khâu đột phá này như thế nào, thưa chị?

- Chúng tôi sẽ đa dạng hóa, đổi mới các phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Hội; phát triển hệ thống các câu lạc bộ, đội, nhóm để thích nghi hơn với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Đồng thời, tập trung xây dựng và củng cố vững chắc tổ chức Hội Sinh viên theo hướng Hội Sinh viên cơ sở chủ động tham mưu cho lãnh đạo nhà trường và tham gia hỗ trợ sinh viên về nhà ở, điều kiện học tập, việc làm, kỹ năng sống, nhu cầu giải trí lành mạnh; hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên trong học tập và rèn luyện; phát huy sức trẻ, sự sáng tạo của sinh viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của nhà trường, của thành phố, tham gia xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.

- Nhiệm kỳ vừa qua, về những mặt hạn chế trong công tác Hội và phong trào sinh viên nổi lên hai vấn đề. Đó là chất lượng cán bộ hội và kinh phí cho hoạt động Hội. Theo chị, cần có giải pháp, cơ chế, chính sách gì để vượt qua những “rào cản” này?

- Tôi cho rằng đó không phải là “rào cản” mà chỉ là khó khăn tạm thời của công tác Hội và phong trào sinh viên. Về vấn đề con người, khi mới tham gia công tác Hội, hầu hết các bạn sinh viên đều chưa có kinh nghiệm. Qua thực tiễn công tác, các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ, nghiệp vụ do Hội Sinh viên các cấp tổ chức, cán bộ Hội sẽ trưởng thành hơn. Thực tế chứng minh, rất nhiều bạn sinh viên qua thời gian đảm trách công tác Hội đều trưởng thành, sau khi tốt nghiệp đã là chủ doanh nghiệp, đảm đương những vị trí công tác quan trọng tại các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số cán bộ còn yếu về kỹ năng, nghiệp vụ và thiếu nhiệt tình công tác. Bên cạnh đó, việc quy hoạch cán bộ ở một số nơi chưa được quan tâm, công tác tập huấn đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu của cán bộ Hội, nhưng đó chỉ là thiểu số.

Đối với kinh phí hoạt động, hằng năm ngân sách cấp cho hoạt động của Hội Sinh viên thực tế là không nhiều, tuy nhiên không vì thế mà ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động, phong trào. Hội Sinh viên các cấp và các cán bộ Hội đã rất chủ động và tích cực trong việc tìm kiếm, huy động các nguồn lực xã hội tham gia phục vụ công tác Hội cho nên hoạt động của Hội Sinh viên vẫn luôn rất sôi nổi, phong phú và đa dạng.

- Hiện nay, bên cạnh những sinh viên tốt vẫn tồn tại một bộ phận sinh viên chưa tốt. Hội Sinh viên cần làm gì để phát huy những mặt tốt của sinh viên và có biện pháp gì để giảm bớt hoặc loại bỏ được những mặt trái, mặt yếu kém còn tồn tại trong đội ngũ sinh viên Thủ đô?

- Xã hội ngày càng phát triển thì sinh viên càng hướng tới những giá trị tốt đẹp. Tuy nhiên, trước những tác động mặt trái của kinh tế thị trường vẫn có những sinh viên lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, pháp luật gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và tổ chức Hội. Trong nhiệm kỳ mới, Hội Sinh viên thành phố phát động phong trào “Sinh viên Thủ đô thi đua, rèn luyện, lập thân, kiến quốc” gọi tắt là phong trào “5 thi đua, 5 rèn luyện”, tập trung vào các nội dung: Nâng cao chất lượng và kết quả học tập, nghiên cứu khoa học, làm chủ khoa học công nghệ trong hội viên, sinh viên. Cải thiện chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống. Chăm lo, hỗ trợ, đào tạo kỹ năng cho hội viên, sinh viên. Thực hiện các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ vì cuộc sống cộng đồng và hội nhập quốc tế… Hội Sinh viên các cấp sẽ bám sát thực tế, đời sống sinh viên để tăng cường giáo dục qua thực tiễn như tổ chức tham quan, khảo sát, học tập thực tế, giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống, ý thức chấp hành pháp luật của sinh viên và triển khai hiệu quả việc xây dựng thế hệ sinh viên Thủ đô thanh lịch, văn minh.

- Trong nhiệm kỳ tới, Hội Sinh viên thành phố có kế hoạch cụ thể gì nhằm khích lệ sinh viên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão dựng xây Thủ đô và đất nước?

- Thế hệ trẻ nói chung và sinh viên nói riêng luôn có ước mơ, hoài bão lớn về lập nghiệp và cống hiến. Đây là những giá trị quan trọng, là nguyên tắc, mục đích sống của thanh niên, sinh viên ngày nay. Để động viên, khích lệ sinh viên, Hội sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp tạo những cơ chế, chính sách nhằm xây dựng môi trường học tập, giải trí lành mạnh, thiết thực đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của sinh viên; tổ chức các hoạt động gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn, tạo cơ hội để tăng tính ứng dụng với các đề tài nghiên cứu khoa học; biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tấm gương sinh viên tiêu biểu. Chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ, học bổng phục vụ hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học và thường xuyên tổ chức cho hội viên, sinh viên học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Thủ đô”.

- Cảm ơn chị và chúc Đại hội Hội Sinh viên thành phố Hà Nội thành công tốt đẹp.

Linh Nhi