Mong manh di sản
Văn hóa - Ngày đăng : 06:25, 03/11/2013
Chuyện được nhắc liên tục trên báo chí hơn một tuần qua. Một sự phản văn hóa ngay trước khi diễn ra hàng loạt hoạt động tôn vinh văn hóa các dân tộc là Ngày hội VH,TT&DL các tỉnh Tây Bắc - sẽ diễn ra tại Hòa Bình và tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" tại Hà Nội.
Rõ ràng, đây không phải vụ việc đầu tiên mà di sản "chết đứng" vì sự tắc trách. Ở nhiều nơi, nhiều lúc vẫn xảy ra những trái khoáy, mâu thuẫn như thế. Sau những hoạt động tuyên truyền, giáo dục bảo vệ di sản, thực tế là di sản vẫn ngày ngày bị bủa vây bởi sự vô ý thức, kém hiểu biết, vô cảm và vô trách nhiệm. Lễ hội và những người đốt hương, tiền, vàng mã mù mịt; danh thắng và những người bày hàng quán tràn ngập, khắc tên lên vách đá, thân cây, xả rác bừa bãi; đình chùa bị "mới hóa" bằng mỹ từ "tôn tạo"…
Có hành động cố tình, có hành vi vô ý, nhưng cùng dẫn đến hậu quả phá hoại cảnh quan, làm "méo mó" di tích, làm giảm tuổi thọ, suy giảm giá trị của di sản… Tuyên truyền nặng về hình thức? Quản lý còn lỏng lẻo? Chế tài xử phạt chỉ đủ để… nhắc nhở?... Thiếu những điều kiện ràng buộc cá nhân hay một nhóm người khi bước vào không gian văn hóa, di sản thì rõ ràng nguy cơ gây tổn thương cho di sản vẫn có thể tiếp tục xảy ra.
Lãnh đạo tỉnh động viên, cán bộ ngành văn hóa chia sẻ, các chuyên gia thương tiếc... ngôi nhà Lang vừa bị cháy. Sự chia sẻ khiến cho người ở bảo tàng vơi bớt phần nào nỗi buồn và sự thất vọng. Nhưng sẽ thực tế hơn nếu các cơ quan cùng chung tay làm sống lại công trình văn hóa vừa mất đi - một công trình từng được coi là địa chỉ bảo tồn di sản và du lịch độc đáo ở ngay cửa ngõ lên miền Tây Bắc, xác định rõ vi phạm và trách nhiệm bồi thường của những người gây ra vụ cháy này.
Di sản đổ xuống nhưng đừng để chúng phải thổn thức một mình!