Hồ sơ chưa khép lại

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:43, 03/11/2013

(HNM) - Gần 1.400 người thiệt mạng, ngày 21-8 đã trở thành thời điểm kinh hoàng trong lịch sử Syria và những ký ức khủng khiếp về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mãi hằn sâu trong ký ức của những người còn sống sót.



Vụ thảm sát bằng những chất độc thần kinh có khả năng giết người ghê sợ nhất đã đẩy Syria vào miệng hố của một cuộc chiến tranh trừng phạt. Một thảm kịch vô tiền khoáng hậu nữa may mắn đã được đẩy lùi bởi những bước đi và thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học lịch sử. Thế nhưng, cách Damascus không bao xa, thủ đô Baghdad của Iraq cũng ngày ngày chứng kiến những hành động bạo lực cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội. Tuy nhiên, con số 964 người chết vì các vụ tấn công tại quốc gia Vùng Vịnh chỉ trong tháng 10 lại dường như không tạo nên "cơn địa chấn" nào trong dư luận. Và tình hình bạo lực có chiều hướng gia tăng nguy hiểm đã thành hành trang lớn nhất mà Thủ tướng Nouri Al-Maliki mang theo trong chuyến công du tới Mỹ.

Thủ tướng Iraq Nouri Al-Maliki (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama.


Chủ đề này cũng đã bao trùm nội dung cuộc hội đàm đầu tiên trong vòng gần hai năm qua giữa người đứng đầu Chính phủ Iraq và Tổng thống Mỹ Barack Obama (hôm 1-11). Vậy là sau 22 tháng kể từ thời điểm người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Iraq, những vấn đề của quốc gia Vùng Vịnh lại xuất hiện trên bàn nghị sự tại Nhà Trắng, nơi chủ nhân của nó đã thực hiện những bước đi nhanh chóng để chấm dứt cuộc chiến mà nước Mỹ đã lún sâu tới 8 năm. Hối thúc Washington sớm hoàn tất việc chuyển giao những hợp đồng máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không có giá trị tới 600 triệu USD, Thủ tướng Al-Maliki cũng không quên đề xuất một bản danh sách dài những loại vũ khí mà Iraq cần để trang bị cho lực lượng vũ trang còn vô cùng non kém. Các cuộc gặp trước đó với Phó Tổng thống Joe Biden hay Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng xoay quanh những đề nghị Mỹ hỗ trợ Iraq củng cố an ninh và đối phó với làn sóng bạo lực đang gia tăng đáng sợ ở quốc gia này.

Phải nói rằng, trong một thời gian tương đối dài, những tin tức về Iraq như một điểm nóng bạo lực đã không còn thống trị báo chí thế giới cũng như các diễn đàn chính trị khu vực và toàn cầu. Dù không thanh bình nhưng ít nhất đất nước từng là chiến trường của cuộc chiến khốc liệt đã dần ổn định trong quá trình xây dựng dân chủ. Song, sự yên ả đã bất ngờ bị phá vỡ bởi hàng loạt vụ tấn công đẫm máu trên đường phố, tại các thánh đường Hồi giáo và cả các vụ cướp ngục quy mô, táo tợn như trong phim ảnh. Thống kê từ phái bộ Liên hợp quốc tại Iraq cho thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, đã có khoảng 6.000 thường dân thiệt mạng và 14.000 người khác bị thương trong các vụ đánh bom xe hay tấn công tự sát. Con số bằng với mức kỷ lục trong giai đoạn 2006-2007, khi cuộc chiến tại Iraq đang ở cao trào cho thấy quốc gia Vùng Vịnh đang có nguy cơ phải đối mặt với vòng xoáy bạo lực mới. Thậm chí, những gì diễn ra tại Iraq thời gian gần đây gây lo lắng nhiều hơn thời điểm 6 năm trước. Lúc đó, chống lại sự hiện diện của quân đội nước ngoài được xem như một cái cớ dễ chấp nhận mỗi khi xảy ra bạo lực đẫm máu. Nhưng giờ đây, người Iraq đang tự quản lý đất nước bởi một bộ máy dân bầu. Song điều tốt đẹp chưa đến và bóng ma chết chóc lại trở về khi hàng trăm mạng sống bị lấy đi mỗi tháng.

Thật đáng buồn là bức tranh Iraq hơn 10 năm sau cuộc chiến để thiết lập dân chủ lại có chiều hướng quay ngược về xuất phát điểm ngổn ngang ngày nào. Nếu như người Hồi giáo dòng Shiite từng than phiền việc họ là nạn nhân của sự cầm quyền của người Sunni dưới thời cố Tổng thống Saddam Hussein thì hiện tại, những người Sunni chiếm 30% dân số Iraq đang phản kháng mạnh mẽ những chính sách mà họ cho rằng đã gạt lực lượng này khỏi hệ thống quyền lực của Thủ tướng người Shiite Al-Maliki. Các cuộc biểu tình và cả tư tưởng chống đối nhằm chống lại sự phân biệt đối xử từ người Sunni đã nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng phe phái. Mối bất hòa tôn giáo vốn tồn tại lâu nay ở Iraq không được cải thiện sau cuộc can thiệp gây dựng dân chủ của Mỹ mà còn đưa quốc gia này chìm sâu hơn vào sự chia rẽ trầm trọng. Sự phân hóa do chính người Iraq tạo ra không may đã trở thành miếng mồi béo bở cho các lực lượng cực đoan, nhất là mạng lưới khủng bố Al-Qaeda - những kẻ đã lợi dụng sự kỳ thị tôn giáo giữa người Shiite và Sunni để đẩy mạnh hoạt động. Với những vụ cướp ngục giải thoát hàng trăm thành viên và gia tăng tuyển mộ binh sĩ thánh chiến tại đất nước mà có tới 30% nam thanh niên thất nghiệp, sự trỗi dậy của Al-Qaeda tại Iraq thực sự đã trở thành cơn ác mộng của Baghdad và cả phương Tây.

Vì vậy, Iraq chưa thể là hồ sơ đã khép lại của nước Mỹ. Washington vẫn còn cần thể hiện trách nhiệm để chấm dứt tình trạng xung đột dai dẳng thông qua những biện pháp chia sẻ quyền lực. Nếu quốc gia được ví như trung tâm địa chính trị của khu vực Trung Đông rơi vào hỗn loạn thì tổn thất an ninh sẽ không chỉ có một mình Iraq phải gánh chịu.

Vân Khanh