Sự “trở mình” của rối nước Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 07:26, 02/11/2013
Nhắc đến rối nước, công chúng Việt Nam và nước ngoài đều nghĩ đến những tích trò quen thuộc nhiều năm nay, như bật cờ, chú Tễu, múa rồng, cày cấy... Thế nên, khi những quân rối mang hồn Việt truyền tải câu chuyện cổ tích nước ngoài trên nền nhạc "lạ", bản thân điều đó đã tạo sự khác biệt đối với người làm nghề lẫn công chúng yêu nghệ thuật truyền thống.
Từ 8 năm trước (năm 2005), các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã dàn dựng chương trình "Truyện cổ tích Andecxen" - với 3 câu chuyện "Vịt con xấu xí", "Nàng tiên cá" và "Chú lính chì dũng cảm". Năm 2010, họ mang những tiết mục này tới Liên hoan Múa rối quốc tế và ngay lập tức giành huy chương vàng. Cũng tại liên hoan này, chương trình "Truyện cổ tích Andecxen" của Việt Nam lọt vào tầm ngắm của ông Jean Luc Larguier, Giám đốc Tổ chức Interart Riviera SA, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu rối nước Việt Nam. Quá hứng thú với cách kể truyện cổ tích Andecxen của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam, ông Larguier và cộng sự đã đặt vấn đề hợp tác để nâng cấp chương trình "Truyện cổ tích Andecxen" nhằm đưa toàn bộ chương trình đến Pháp. Hai năm sau đó, chương trình "Truyện cổ tích Andecxen" - phiên bản mới hoàn thành, sẵn sàng cho chuyến lưu diễn chính thức tại Pháp vào tháng 12 này.
Lãnh đạo Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, dự án "Truyện cổ Andecxen" sẽ có hai đợt biểu diễn tại Pháp. Đợt đầu tiên diễn ra từ ngày 26 đến 31-12, tại Bảo tàng nghệ thuật Quai Branly, nằm trong khuôn khổ sự kiện "Năm Việt Nam tại Pháp" nhằm chào mừng kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp. Đợt diễn thứ hai bắt đầu từ tháng 7-2014. |
Cuối tháng 10 vừa qua, toàn bộ êkíp thực hiện dự án hợp tác nói trên chính thức báo cáo kết quả hợp tác. "Chú lính chì dũng cảm", "Vịt con xấu xí", "Nàng tiên cá" vẫn nguyên cách diễn, cách dàn dựng như phiên bản cũ - có từ năm 2005. Thay đổi lớn nằm ở phần âm nhạc, và toàn bộ quân rối được họa sĩ Ngô Quỳnh Giao (cũng là đạo diễn của dự án) tạo hình lại với kích thước nhỏ hơn để phù hợp với bể nước chỉ cao 50cm (thay vì 90cm như ở Việt Nam) tại Bảo tàng nghệ thuật Quai Branly (Pháp). Phần âm nhạc của "Truyện cổ tích Andecxen" phiên bản mới do nhạc sĩ người Pháp - Henry Togue thực hiện, mục tiêu là đẩy nhanh tiết tấu và tạo kịch tính ở cao trào.
NSƯT Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, phụ trách các nghệ sĩ tham gia dự án "Truyện cổ tích Andecxen" cho biết: Khác với rối nước truyền thống, chương trình này đòi hỏi sự bứt phá, tiết tấu khẩn trương, mang hơi thở cuộc sống đương đại và những ý tưởng nhân văn mới. Dự án là một sự kiện thực sự đối với các nghệ sĩ múa rối Việt Nam bởi nó không chỉ cho thấy rối nước truyền thống hoàn toàn có thể ứng biến linh hoạt, mà còn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ có một chuyến biểu diễn dài kỳ tại Pháp, nhất là được diễn ở Bảo tàng nghệ thuật Quai Branly. Đó là một điểm diễn uy tín, như Nguyễn Tiến Dũng nói thì "ai được diễn tại đây như được cấp thêm chứng chỉ nghệ thuật mang tầm quốc tế".
Bày tỏ sự phấn khởi khi dự án hoàn thành, ông Jean Luc Larguier chia sẻ: "Chúng tôi đã có một sự kết hợp tuyệt vời. Tôi tin là dự án này sẽ được người dân Pháp yêu thích. Nghệ thuật rối nước của Việt Nam quá hấp dẫn, lãng mạn và thật tuyệt vời khi rối nước đủ khả năng truyền tải nguyên vẹn tinh thần nhân bản, tình yêu hòa bình trong những câu chuyện cổ tích của Andecxen".