Tiếp tục các giải pháp thu hồi nợ thuế
Tài chính - Ngày đăng : 06:39, 20/12/2022
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến cuối tháng 11-2022, thu hồi nợ thuế được 29.416 tỷ đồng, đạt 70% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2022. Tổng số tiền nợ ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30-11-2022 là 126.642 tỷ đồng, tăng 10,1% so với thời điểm ngày 31-12-2021 và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tiền thuế nợ tăng so với thời điểm ngày 31-12-2021 được Tổng cục Thuế lý giải là, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng nguồn vốn được sử dụng chủ yếu nhằm vào việc tái cơ cấu và tái đầu tư. Mặt khác, giá dầu, nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế, khiến sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tiền phạt, tiền chậm nộp tăng so với thời điểm 31-12-2021 do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế.
Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác quản lý, giao chỉ tiêu thu tối thiểu 80% nợ thuế có khả năng thu và gắn trách nhiệm thu nợ, xử lý nợ đọng cho từng đơn vị. Đồng thời, ngành Thuế cũng xác định rõ số nợ thuế không thuộc diện được gia hạn nộp thuế, người nộp thuế không bị (hoặc ít bị) ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để tiến hành đôn đốc, động viên người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ.
Trong thời gian qua, ngành Thuế chú trọng xây dựng phương án xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, có giải pháp thu, xử lý nợ hiệu quả, hợp lý; bảo đảm công tác quản lý, cưỡng chế, thu hồi nợ đọng được đồng bộ, nhất quán; đáp ứng mục tiêu công bằng giữa các đối tượng chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Các cục thuế cũng theo dõi chặt chẽ các khoản nợ, nhất là các khoản thuế đã gia hạn; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ.
Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, công tác quản lý nợ thuế luôn được Cục Thuế xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương, với các sở, ban, ngành áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy định đối với các đơn vị nợ nghĩa vụ ngân sách nhà nước, Cục Thuế thành phố Hà Nội thường xuyên đăng công khai thông tin nợ thuế theo quy định đối với các đơn vị nợ đọng lớn, chây ỳ. Trong lần công khai nợ thuế gần đây nhất, vào tháng 11-2022, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã công khai nợ thuế đối với 463 trường hợp với tổng số nợ khó thu và khả năng thu 96.088 triệu đồng, đồng thời cũng công khai danh sách 102 trường hợp sau khi thực hiện công khai trong năm 2022 đến thời điểm rà soát (ngày 24-11-2022) đã nộp hết nợ với số tiền 20.218 triệu đồng.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu doanh nghiệp thực sự khó khăn, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp hoạt động tốt, có doanh thu nhưng vẫn chây ỳ nộp thuế thì cần tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện đúng nghĩa vụ, thậm chí xem xét dùng biện pháp mạnh...
Thực hiện nhiệm vụ công tác thuế trong tháng cuối năm, Tổng cục Thuế giao cơ quan thuế các cấp thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp; đồng thời đẩy mạnh áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, theo đúng quy định.
Được biết, một trong những điểm mới của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 là bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế, cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước, đây là biện pháp mạnh và có thể mang lại kết quả tích cực cho công tác thu hồi nợ thuế.