Vấn đề không chỉ là “thay tên đổi họ”

Xã hội - Ngày đăng : 06:49, 01/11/2013

(HNM) - TP Hồ Chí Minh vừa quyết định, giai đoạn 2013-2015 sẽ hình thành 16 tuyến đường văn minh đô thị, chủ yếu nằm ở khu vực trung tâm thành phố. Đáng nói, trước đây thành phố cũng đổ tiền tỷ làm nhiều tuyến đường điểm với mục đích cũng tương tự nhưng đến nay vẫn chưa thành công cho thấy,

Thực trạng nhếch nhác trên một tuyến đường được quy hoạch là đường "văn minh đô thị".



Vi phạm tràn lan

Theo kế hoạch, 16 tuyến đường văn minh đô thị sẽ hình thành ở các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Các tuyến đường này được tập trung xây dựng theo các nội dung chính là: Chấp hành pháp luật về trật tự đô thị, an toàn giao thông, mỹ quan đường phố. Chính quyền địa phương nơi có các tuyến đường trên sẽ phải xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm trái phép, buôn bán hàng rong, sắp xếp một phần lề đường cho người dân sử dụng tạm theo quy định, tạo lối đi cho người đi bộ…

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, việc xây dựng 16 tuyến đường văn minh đô thị sẽ chia thành 2 giai đoạn. Từ quý IV năm 2013 triển khai kế hoạch đến cấp quận và các đơn vị chức năng trực thuộc để hướng dẫn, phối hợp với địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Từ năm 2014 đến năm 2015, tổ chức nhiều đợt ra quân, phối hợp giữa các sở, ngành chức năng và các quận để xử lý tình trạng mất mỹ quan đô thị.

Theo cơ quan chức năng, việc phân thành hai giai đoạn như trên là rất cần thiết bởi nơi dự kiến sẽ hình thành 16 tuyến đường văn minh đô thị hiện đang khá lộn xộn… Điển hình, tại đường Nguyễn Đình Chiểu ở khu vực phường 4, quận 3, tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè đã là "chuyện thường ngày". Từng chiếc xe đẩy hàng rong, từng mét vỉa hè xe đậu tràn lan, từng góc đường đều có thể thành chợ tạm, thậm chí tràn ra cả mặt đường. Còn tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (khu vực trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, phường 12, quận 5) thì phổ biến tình trạng vỉa hè biến thành nơi trông giữ xe, bến xe ôm, hàng rong. Cũng tại khu vực này, có nơi các quán ăn uống lấn chiếm hết vài trăm mét vỉa hè. Tương tự, tại các tuyến đường dự kiến trở thành tuyến đường văn minh đô thị như Võ Văn Tần (quận 3), Khánh Hội (quận 4), Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (quận 1 và 5), 3-2, Nguyễn Tri Phương... tình trạng nhếch nhác, lấn chiếm vỉa hè đã là chuyện cơm bữa.

Trách nhiệm không của riêng ai

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 3 Võ Khắc Thái, đa số những đối tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán là lao động nghèo, mưu sinh nay đây mai đó, rất khó quản lý. Dù chính quyền địa phương rất kiên quyết thực hiện nhưng biện pháp đẩy đuổi, tịch thu hay xử phạt cũng chỉ là tạm thời. Đó là chưa nói tới việc, UBND thành phố vừa thông qua kế hoạch, nâng bình quân thu nhập của người lao động nghèo từ 16 triệu đồng trở lên/năm (trước là 12 triệu đồng/năm). Xét theo quy định trên thì quận còn 1.100 hộ lao động nghèo và phần lớn, họ đều không có việc làm ổn định, chủ yếu buôn bán hàng rong, chưa kể lao động vãng lai luôn biến động, trong khi lực lượng quản lý mảng trật tự đô thị mỏng.

Bà Huỳnh Thị Thảo, Chủ tịch UBND quận 5 cũng thông tin, để giảm tải tình trạng người lao động nghèo buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, thời gian qua địa phương cũng đã thực hiện những biện pháp căn cơ hơn như mở các đợt giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay… Tuy nhiên, tất cả nỗ lực trên không thể một sớm một chiều phát huy hiệu quả. Mặt khác, trên một tuyến đường còn nhiều đơn vị quản lý như: Điện, viễn thông, hệ thống hạ tầng, cây xanh…

Trước thực tế trên, theo nhiều lãnh đạo các quận, để xây dựng thành công các tuyến đường văn minh đô thị theo tiêu chí của UBND thành phố đề ra thì thời hạn 2 năm (2013 đến 2015) là rất khó khả thi. Và càng khó thực hiện hơn nếu chỉ mình địa phương tự lo mà thiếu đi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cấp, ngành. Cũng lưu ý rằng, trước đó, thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2008-2010, thành phố đã chọn 11 tuyến đường xây dựng thành "đường điểm" để làm cơ sở nhân rộng ra các nơi. Tuy nhiên, đến nay, sau 5 năm thực hiện, hầu như chưa có tuyến đường nào đạt 100% tiêu chí "đường điểm" bởi tình trạng mất mỹ quan đô thị vẫn diễn ra. Vậy nên vấn đề nằm ở giải pháp chứ không phải "thay tên đổi họ".

Hà Tuấn