Những bức họa số phận

Sách - Ngày đăng : 06:28, 01/11/2013

(HNM) - Giải Nobel Văn học năm nay được trao cho Alice Munro, nữ nhà văn Canada nổi danh với các tập truyện ngắn. Bà Munro từng được một nữ văn sĩ Hoa Kỳ nổi tiếng - Cynthia Ozick ca ngợi là



Tập truyện “Trốn chạy” của Alice Munro được xuất bản vào năm 2004, đã được dịch và ấn hành ở Việt Nam vào năm ngoái. Đó là những tác phẩm lý giải vì sao bạn đọc và giới chuyên môn hết lời khen ngợi truyện ngắn của nữ văn sĩ này.

Tập sách gồm tám truyện. Truyện nào cũng toát ra sức mạnh thâm trầm của chủ đề, về những bí ẩn không thể giải gỡ trong tâm hồn người, đặc biệt là tâm hồn phụ nữ. Truyện cũng giản dị, sáng tỏ qua chân dung những nhân vật đều là các cư dân rất bình thường. Khác biệt là bà Munro cho ta thấy ở đó những tấn kịch số phận chung cho mọi con người, dù ở bất cứ đâu.

“Trốn chạy” là truyện có dáng vẻ truyện ngắn nhất trong tập sách, mô tả khủng hoảng sâu kín trong lòng cô gái tên là Carla. Carla bỏ nhà để đi theo và sống không hôn thú với Clark. Họ nuôi một con dê. Carla yêu quý con vật này, trong khi Clark đã dần không ưa nó. Rồi một ngày con dê mất tích. Và Carla có một phát hiện đột ngột làm cô đau đớn, “như thể có một cây kim giết chóc ở đâu đó ghim trong buồng phổi nàng...”, khiến cô không biết liệu mình có một lần nữa bỏ chạy hay không.

Con dê, được đặt tên là Flora, tựa như một hình ảnh biểu trưng cho sự kiếm tìm của nhân vật Carla. Cô yêu Flora và yêu Clark. Nhưng Flora trở thành biểu tượng của tâm hồn tự do. Có lẽ vì thế nó phải chết.

Sau đó, trong tập, là một chùm ba truyện, thâu tóm cuộc đời nữ nhân vật Juliet bị Penelope - đứa con gái duy nhất của cô, rời bỏ. Bi kịch bất ngờ, kéo dài suốt nửa cuộc đời và không thể hiểu nổi. Chủ đề “Trốn chạy” dường như lặp lại, nhưng rõ ràng hơn. Penelope chạy trốn khỏi mối quan hệ mẹ - con gắn bó với Juliet. Điều bí ẩn bất ngờ chính là mối gắn bó ruột thịt và đầy tình thương yêu đó hóa ra một không gian hiu quạnh nhất. Penelope không tìm thấy ý nghĩa của việc sống trong không gian tình cảm đó.

Truyện cuối tập, “Thần lực”, dài và phức hợp như một tiểu thuyết. Truyện này tái hiện hồi ức về cuộc đời nữ nhân vật Nancy. Qua đó, nổi bật lên thân phận kỳ lạ và bi thảm của Tesse, người bạn gái từ thuở học trò của Nancy. Chính ở đây nổi rõ một chủ đề ngầm ẩn trong những truyện ngắn đặc biệt này. Munro cho thấy một hình ảnh bất ngờ về cảm thức thời gian trong tâm hồn phụ nữ. Chuyện đời là chuyện Nancy, nhưng nhân vật trong chuyện đời đó là số phận kỳ dị của Tesse. Người ta rất nhầm khi cho rằng đàn bà chỉ sống bằng quá khứ. Nancy nghĩ: “Con cái bà nói chúng hy vọng bà không sống trong hoài niệm về quá khứ. Nhưng bà tin vào những gì mình đang làm, những gì bà muốn làm nếu có thời gian, đó là không sống nhiều trong quá khứ mà chỉ mở toang nó ra và nhìn kỹ nó”.

Nhìn vào những biến cố trong khoảnh khắc, nhưng, lại sẽ chỉ sáng tỏ qua thời gian lâu dài - đó là thứ nghệ thuật ước lệ mà Alice Munro sử dụng, cho thấy “cuộc đời như một sân khấu lớn”. Cũng thấy rõ trong ngòi bút của bà nghệ thuật của sự tái hiện tỉ mỉ cuộc đời thường nhật, hết sức tinh tế và chọn lọc. Sự tái hiện đó làm sáng tỏ những biến động bất ngờ thầm lặng, gây choáng váng với người đọc.

Hàn Hoan