Việt Nam đón công dân thứ 90 triệu: Làm sao khai thác “mỏ vàng”?

Xã hội - Ngày đăng : 05:45, 01/11/2013

(HNM) - Hôm nay 1-11, Việt Nam - quốc gia bước vào giai đoạn cơ cấu dân số "vàng" - chào đón công dân thứ 90 triệu. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dân số, cơ cấu dân số "vàng" là cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra vấn đề là làm thế nào để tận dụng cơ hội này nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Dấu mốc đặc biệt

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Dương Quốc Trọng, ở giai đoạn trước, dựa vào diễn biến tình hình thực tế, các nhà khoa học đã dự báo vào năm 2002, dân số Việt Nam sẽ đạt 90 triệu người và năm 2010 là 105 triệu người. Do đó, trong suốt 24 năm qua, ngành dân số chỉ tập trung vào mục tiêu duy nhất là giảm sinh. Đến nay, số liệu trên cho thấy công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam đã thành công ngoạn mục, tránh sinh gần 21 triệu người so với dự báo. Như vậy, mục tiêu chiến lược về dân số và sức khỏe sinh sản mà Chính phủ đặt ra - đến năm 2015 quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người và không quá 98 triệu người vào năm 2020 - là hoàn toàn khả thi.

GS Nguyễn Đình Cử, giảng viên cao cấp của Viện Dân số và Các vấn đề xã hội - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, với quy mô dân số như hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số "vàng", tức là ở thời kỳ này, cứ 2 người lao động mới có 1 người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi hoặc người từ 65 tuổi trở lên), thuận lợi hơn rất nhiều so với cách nay 30 năm (cứ 1 lao động có 1 người phụ thuộc). Dẫn số liệu nói trên để thấy rằng gánh nặng phụ thuộc hiện đã giảm một nửa. Giờ đây, với lực lượng dân số dồi dào, chúng ta sẽ có nguồn nhân lực đủ để thúc đẩy cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Trước sự kiện Việt Nam cán mốc dân số 90 triệu người, nhiều chuyên gia nhận định, với cơ cấu dân số như hiện nay, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Phân tích tổng quát thì chúng ta đang có một lực lượng lao động dồi dào để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đà cho sự phát triển kinh tế. Mặt khác, quy mô dân số hiện tại cũng giúp cho quỹ phúc lợi tăng cao. Chẳng hạn, mỗi người chỉ góp 1.000 đồng, cả nước đã có hàng chục tỷ đồng, góp 2.000, cả nước có tới trăm tỷ, còn nếu đóng góp 12.000 đồng thì đã có trên nghìn tỷ đồng phục vụ chính sách an sinh xã hội.

Thời kỳ cơ cấu dân số "vàng" dự báo kéo dài từ 30 đến 35 năm. Như vậy, các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng cơ hội này để tập trung phát triển kinh tế - xã hội không để thời cơ qua đi một cách vô ích.

Tập trung nâng cao chất lượng dân số

Với quy mô dân số 90 triệu người, Việt Nam xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới, đứng thứ 3 về quy mô dân số trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi nhờ có lượng lao động dồi dào, quy mô dân số lớn cũng tạo sức ép không nhỏ đối với sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt.

Theo các chuyên gia dân số, chất lượng dân số thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là vấn đề "nóng", sẽ còn gây hệ lụy nếu không được xử lý kiên quyết ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, đầu tư đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu người gia nhập lực lượng lao động hằng năm cũng là vấn đề lớn, đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, dân số đông, lại trong thời kỳ cơ cấu dân số "vàng" nên số lượng lao động rất lớn. Giải quyết đủ việc làm, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho hàng chục triệu lao động trong hoàn cảnh cạnh tranh quốc tế khốc liệt đang là những thách thức lớn nhất hiện nay. Mặt trái, như nạn thất nghiệp, thiếu việc làm, làm việc với năng suất thấp không những cản trở sự phát triển, mà còn tác động xấu đến an ninh, trật tự xã hội. Thêm vào đó, hiện nay, mô hình gia đình ít con đã phổ biến, điều kiện sống được nâng lên, dẫn đến sự đòi hỏi dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông… phải có chất lượng cao hơn. Khi dân số đông, nguồn "cung" hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao không theo kịp "cầu" thì dễ gây ra căng thẳng xã hội.

Rõ ràng, cơ cấu dân số "vàng" là thuận lợi, tạo cơ hội phát triển nhưng cũng có thể gây rắc rối nếu chúng ta không có giải pháp mạnh nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Tổng cục DS-KHHGĐ đã chọn ngẫu nhiên tại các BV phụ sản, khoa sản toàn quốc, kết quả là cháu bé được sinh ra tại BV Phụ sản trung ương vào 0h ngày 1-11 được xác định là công dân thứ 90 triệu.

Sáng nay 1-11, tại Bệnh viện (BV) Phụ sản trung ương diễn ra lễ đón công dân thứ 90 triệu. Vào sáng mai 2-11, tại TP Hồ Chí Minh, trên hai cung đường Trường Sa - Hoàng Sa sẽ diễn ra cuộc diễu hành với chủ đề "90 triệu bước chân con cháu Lạc Hồng", có sự tham gia của 2.013 người - tượng trưng cho năm 2013 ghi dấu mốc dân số Việt Nam tròn 90 triệu người. Vào tối 2-11, Bộ Y tế sẽ tổ chức sự kiện "90 triệu trái tim yêu Việt Nam" tại Nhà hát Lớn - Hà Nội nhằm kết nối toàn thể người dân cùng hành động vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Thu Trang