Vẫn khẳng định vai trò và vị thế của báo in trong giai đoạn hiện nay

Chính trị - Ngày đăng : 12:33, 31/10/2013

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng”, ngày làm việc thứ hai của hội thảo đã diễn ra tại Báo Nhân dân vào ngày 30/10.

Ngày làm việc thứ hai của hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng” tại trụ sở báo Nhân dân (Ảnh: Kiều Giang)


Tiếp tục các chủ đề mà hội thảo đưa ra trong ngày làm việc đầu tiên 29/10, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến tham luận xung quanh vấn đề báo chí trong quá trình toàn cầu hóa và hoạt động báo chí ở Việt Nam cũng như ở Cộng hòa Áo, khẳng định vai trò và vị thế của báo in trong bối cảnh truyền thông hiện nay.

Trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo, nhà báo Thịnh Giang – Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân đã khẳng định những thách thức to lớn của bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện kỹ thuật đối với lĩnh vực báo in. Tuy vậy, báo in vẫn khẳng định được vị trí và tồn tại song song cùng với các loại hình báo chí điện tử.

Thực tế cho thấy, hiện ở Việt Nam có nhiều tờ báo chạy theo thị hiếu với các đề tài giật gân, câu khách, nhiều tờ báo đứng trước nguy cơ phá sản. Trong khi đó, Báo Nhân dân – Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với định hướng đúng đắn đã luôn khẳng định được vị thế của mình. Hiện Báo Nhân dân có 4 ấn phẩm báo in và sắp tới sẽ ra đời kênh truyền hình Nhân dân, dự kiến phát sóng vào ngày 21/6/2014. Báo Nhân dân đã và đang nỗ lực không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

Phát biểu tại hội thảo, ý kiến của đại biểu cho rằng, phải chăng sự tích hợp của truyền thông đa phương tiện sẽ là một trong những hướng đi hữu hiệu đối với lĩnh vực báo in, trong bối cảnh báo in phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình báo chí khác?

Tiến sỹ Julia Wippersberg (Đại học Tổng hợp Viên – Áo) qua bài tham luận về “Quyền hạn, trách nhiệm và mô hình hoạt động của Thông tấn xã Áo” đã đem đến hội thảo một cái nhìn mới về sự năng động của cơ quan báo chí Áo trong bối cảnh hiện nay.

Theo Tiến sỹ Julia Wippersberg, Hãng Thông tấn xã Áo (APA) được thành lập từ năm 1849 và đến nay đã không chỉ đơn thuần là một trung tâm báo chí mà còn là một trung tâm đào tạo, cung cấp các dịch vụ liên quan đến ngành truyền thông. Mặc dù là một tập đoàn báo chí nhà nước, nhưng APA hiện hoạt động độc lập về kinh tế. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ công, APA còn có nhiều hoạt động có thể đem lại những nguồn thu lớn. Hiện APA có 15 tờ báo và một kênh truyền hình. APA cũng có nhiều công ty con hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau.

Về quy mô sản xuất, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8/2013, Thông tấn xã Áo đã sản xuất được 150.000 tin, 38.000 bức ảnh,.... Trong đó, có khoảng 52% số tin bài do APA tự sản xuất. APA đã ký hợp động với hầu hết các hãng thông tấn ở châu Âu để có thể trao đổi thông tin. Ngoài ra, APA có mạng lưới các cộng tác viên ở các thành phố của châu Âu để cung cấp tin tức kịp thời. Tuy nhiên, bà Julia Wippersberg cũng cho biết, mạng lưới thông tin của APA với khu vực châu Á vẫn còn mỏng.

Tại hội thảo, để làm rõ hơn mối liên hệ giữa báo chí Việt Nam và báo chí Áo, bà Nguyễn Thị Bích Yến (Nghiên cứu sinh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đưa ra tham luận “Phương thức làm báo thời thị trường của Wiener Zeitung (Cộng hòa Áo) và kinh nghiệm cho báo chí Việt Nam.

Theo bà Bích Yến, tuy chính trị, văn hóa, kinh tế, báo chí truyền thông... giữa Áo và Việt Nam là khác nhau, nhưng hai nước cũng có một số điểm tương đồng, đặc biệt là vấn đề công chúng báo chí. Xu thế toàn cầu hóa truyền thông đã khiến cho công chúng các quốc gia dần không còn “biên giới cứng” trong tiếp nhận thông tin. Vì thế, quan niệm về công chúng báo chí giữa các nước trên thế giới cũng đang xích lại gần nhau.

Khuynh hướng phát triển lâu nay của nền báo chí thế giới, đó là “sự liên kết giữa kinh doanh thông tin với tư bản công nghiệp - tài chính”. Hoạt động báo chí trong nền kinh tế thị trường phải sống được bằng việc bán báo. Các tờ báo, các tập đoàn truyền thông muốn tồn tại phải vừa biết tuân thủ các quy tắc nghiệp vụ báo chí vừa biết tuân thủ các quy luật của nền kinh tế thị trường.

Wiener Zeitung được coi là tờ báo cổ nhất thế giới mà hiện nay vẫn tiếp tục đựợc phát hành. Qua nhiều thế kỉ, nó đã làm nên giá trị lịch sử về chính trị và lịch sử ngành báo chí Áo. Truyền thống của tờ báo đã khiến nó trở thành tài sản văn hóa vô cùng quý báu. Trải qua nhiều biến động nhưng nhờ vào sự cải tiến của các chính sách truyền thông mà tờ báo vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển đến ngày nay. Để tồn tại, phát triển, giữ vững thương hiệu “lâu đời nhất thế giới” của mình, Wiener Zeitung đã luôn phải củng cố các chính sách truyền thông sao cho phù hợp với thời cuộc. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm có thể chia sẻ với báo chí Việt Nam.

Có thể nói, hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng” là cơ hội để các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các kết quả nghiên cứu. Những ý kiến tại hội thảo góp phần hướng tới thúc đẩy sự nghiệp đào tạo và phát triển báo chí ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung./.

Theo Kiều Giang