Mục tiêu nền tảng là phát triển năng lực hành động

Giáo dục - Ngày đăng : 05:58, 31/10/2013

(HNM) - Việt Nam đang ở bước khởi đầu của quá trình đổi mới giáo dục, trong đó có giáo dục phổ thông, theo hướng chuyển từ mục tiêu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực toàn diện cho HS.

Nội dung sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015 sẽ phải điều chỉnh ra sao về cấu trúc, nội dung, hình thức để đáp ứng mục tiêu ấy? Công tác biên soạn SGK cần giải quyết những vấn đề gì? Đó là những nội dung được đề cập tại hội thảo quốc tế "Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và SGK theo định hướng phát triển bền vững" do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 30 và 31-10.

Chương trình SGK phải đổi mới theo hướng hiện đại, cân đối giữa dạy chữ - dạy người. Ảnh: Đào Ngọc


Phác thảo mô hình SGK hiện đại

Theo nhận định chung, SGK phổ thông hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi SGK mới sau năm 2015 cũng phải đổi mới theo quan điểm của giáo dục hiện đại, cân đối dạy chữ - dạy người theo định hướng phát triển bền vững. Hầu hết các đại biểu thống nhất với nhận định này và cho rằng, việc biên soạn SGK theo hướng coi trọng "đầu ra", tập trung phát triển năng lực hành động cho HS, giúp các em sau khi rời ghế nhà trường có khả năng tự chủ, tự lập, tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội là xu hướng của nhiều quốc gia.

GS, TS Nguyễn Lộc (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc biên soạn và phát triển SGK phổ thông phải tuân theo định hướng xây dựng chương trình sau năm 2015. Theo đó, kiến thức đề cập trong SGK cần được lựa chọn theo hướng thiết thực, gần gũi với cuộc sống nhằm giúp HS có kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tế. Việc lựa chọn mô hình SGK cần tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến để vận dụng một cách hợp lý đối với thực tế Việt Nam, đồng thời bảo đảm 3 chức năng: Thông tin, hướng dẫn (hướng dẫn giáo viên, HS) và kích thích. Tùy theo SGK đa môn hay đơn môn mà lựa chọn cách trình bày cấu trúc nội dung, song không nên trình bày đơn vị bài học theo tiết học như hiện nay, mà trình bày theo chủ đề nội dung ứng với các tình huống cụ thể.

Trước ý kiến có nên ban hành nhiều bộ SGK cho một chương trình hay không, GS, TS Mike Horsley (Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục của Australia) cho rằng, phần việc quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục quốc gia mới là chọn ra bộ SGK phù hợp nhất. Trong nhiều năm, Hiệp hội Các nhà xuất bản Australia tổ chức cuộc thi bình chọn SGK và tài liệu dạy học tốt nhất. Tiêu chí đánh giá, thẩm định SGK và tài liệu dạy học được điều chỉnh thường xuyên theo hướng phản ánh phương pháp tiếp cận văn hóa xã hội và phương pháp học tập.

Về sự cần thiết phải đổi mới SGK, GS Leif Oestman (Trường ĐH Tổng hợp Uppsala, Thụy Điển) chia sẻ: Trước đây, SGK phổ thông của Thụy Điển nặng tính hàn lâm, giá trị của cuộc sống được đề cập mờ nhạt. SGK mới hiện được thiết kế theo quan điểm của khoa học ứng dụng, việc trình bày kiến thức và kỹ năng đều liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày. Việc tích hợp lồng ghép các giá trị của đời sống được đặc biệt coi trọng, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục.

Thách thức với tác giả SGK

Để đáp ứng những định hướng trên, hàng loạt yêu cầu đối với công tác biên soạn SGK đã được tập trung thảo luận. Theo nhận định của GS, TS Đinh Quang Báo (Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK GDPT sau năm 2015), SGK trong nhà trường hiện đại phải vừa chứa đựng khối lượng thông tin khoa học lớn, vừa là một kịch bản định hướng tổ chức hoạt động dạy - học. Điều đó buộc tác giả SGK phải có năng lực "hai trong một". Ở nước ta không có cơ sở nghiên cứu biên soạn SGK riêng biệt như nhiều nước, nên không có đội ngũ nhà sư phạm chuyên sâu, chuyên biên soạn SGK. Vì vậy, đội ngũ biên soạn SGK của ta tuy rất uyên bác nhưng còn hạn chế về tri thức giáo dục học. Đó là những khó khăn cần được tháo gỡ trong trong quá trình triển khai biên soạn SGK mới.

GS, TS Olena Pometun (Viện Hàn lâm Khoa học giáo dục quốc gia Ucraina) góp ý: Trong quá trình biên soạn SGK, tác giả cần tính đến điều kiện thực tế, mô hình giảng dạy, tuổi và đặc điểm cá nhân của HS… Tác giả SGK cũng cần quan tâm đặc biệt tới mục tiêu giáo dục mà SGK cần hỗ trợ thực hiện. Nếu ngoài việc cung cấp kiến thức, chúng ta muốn phát triển thêm kỹ năng đặc biệt khác cho HS thì SGK cần chứa đựng những yếu tố tác động đến tình cảm, giá trị, suy nghĩ, văn hóa… của HS.

Ý kiến của nhiều chuyên gia còn cho rằng, quá trình biên soạn SGK cần nhìn nhận lại vai trò của phần nội dung bổ sung trong mỗi bài học, nhất là đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn. Trước đây, nội dung này thường bị cho là phụ, người dạy, người học đều ít quan tâm. Nội dung bổ sung gồm những tư liệu, đoạn trích từ các tài liệu, tiểu sử…, tạo thuận lợi cho HS mở rộng kiến thức và liên hệ với thực tiễn. Ngoài ra, các nội dung trong SGK cũng cần được thiết kế để có tính trọn vẹn nhất định, trong đó ứng với mỗi phần kiến thức cần có yêu cầu về hoạt động của HS nhằm kích thích HS tìm tòi, mở mang kiến thức và giải quyết vấn đề. Đây là cơ sở quan trọng trong quá trình biên soạn SGK nhằm hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển năng lực hành động cho người học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: SGK là một trong những yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, SGK phải có cấu trúc, nội dung, cách tiếp cận và hình thức trình bày đáp ứng được khả năng sáng tạo, tính chủ động của giáo viên, HS; phù hợp với đặc điểm, điều kiện giáo dục của cả nước cũng như các vùng, miền. SGK phải vừa là nơi cung cấp nội dung dạy học, vừa là nơi khởi đầu, kích thích sự tìm tòi kiến thức từ các nguồn khác nhau cho HS. SGK cũng phải tạo cơ hội cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực theo phương châm lấy quá trình học tập của HS làm trung tâm và khơi gợi khát vọng học tập suốt đời.

Thống Nhất